Ngân hàng nhà nước không có chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản…
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng hơn 24%

Sáng 8/2, NHNN đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) và khoảng 20 doanh nghiệp (DN) BĐS và các Ngân hàng (NH) đã tham dự cuộc họp được mong chờ này.

Báo cáo của NHNN cho biết. dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 05 năm qua. Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh BĐS tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Theo phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.

“Như vậy, có thể thấy hiện nay các NH vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được NH cho vay theo đúng quy định…”- Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, thị trường xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, những vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Diễn biến của thị trường BĐS cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. “Do đó, NHNN tổ chức Hội nghị này nhằm lắng nghe các đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường BĐS, làm rõ nguyên nhân vì sao DN kêu khó tiếp cận tín dụng NH…”- Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định lại, NHNN chưa có văn bản và phát ngôn nào khẳng định siết chặt tín dụng BĐS. NHNN chỉ có các văn bản chi đạo kiểm soát chặt cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong BĐS. “Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác”- ông Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng BĐS

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng BĐS

Doanh nghiệp muốn cơ cấu lại nợ

Tại Hội nghị, đại diện các DN BĐS lớn như Vingroup, Novaland, Cen Group, Hưng Thịnh Land… đã ghi nhận nỗ lực của NHNN trong việc khơi thông vốn cho thị trường BĐS, tuy nhiên thực tế các DN đang rất khó khăn về thanh khoản và vướng mắc về pháp lý.

“Năm 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất” và năm 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các DN BĐS nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các DN BĐS mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này…”- Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu phát biểu.

Theo ông, hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các DN BĐS thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề “trái phiếu DN riêng lẻ đến hạn” và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn”. Và khi DN có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu NHNN không cho phép “nới một chút” điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng..

“Chúng tôi không sợ lãi suất vay của các NH dù đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%). Lãi suất vay đó chúng tôi chịu được nhưng vấn đề phải tiếp cận được…”- Chủ tịch HoREA quả quyết. Đồng thời bày tỏ mong muốn NHNN xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép DN BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm…

Khoảng 20 DN BĐS tham dự hội nghị

Khoảng 20 DN BĐS tham dự hội nghị

Ngân hàng cũng khó..

Tại Hội nghị đại diện các NH cho biết, dư nợ tín dụng BĐS tại NH đều trên 20% và tăng trưởng đều cao hơn tăng trưởng chung, các NH không thiếu room cho BĐS.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đến hết 31/12, dư nợ BĐS chiếm trên 20% dư nợ của NH, tăng 17%, so với năm 2021 (trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% cho với các DN đầu tư BĐS).

Đại diện Vietcombank khẳng định NH không để lĩnh vực BĐS thiếu room.”NH không làm khó DN mà NH cùng bị khó do chúng tôi phải chặt chẽ hơn!”- Ông Tùng bày tỏ. Cũng theoông Tùng, thời gian vừa qua thị trường chứng khoán, huy động trái phiếu DN khó khăn nên mới dồn lên NH, NH ngoài cho vay cũng phải đáp ứng các yêu cẩu về an toàn và các tiêu chuẩn quốc tế. “Do vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan Quản lý nhà nước cần hỗ trợ cho thị trường tếái phiêu DN phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả…”- Đại diện Vietcombank đề nghị.

Phó Tổng giám đốc phụ trách Vietinbank, ông Nguyễn Hoàng Dũng ví von DN và NH đang ngồi chung trên một chiếc xuồng ba la. “Vì vậy, phải hết sức bình tĩnh, chèo chung 1 nhịp, đi 1 hướng không xuồng chìm. Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ DN trên cơ sở cơ chế chính sách, trong khuôn khổ phá luật…”- ông Dũng khẳng định.

Trước ý kiến của DN đề xuất tái cơ cấu lại nợ, ông Dũng cho rằng bản thân các DN phải tự cái cơ cấu trước bằng cách chấp nhận bán lỗ một phần BĐS để tăng thanh khoản từ đó tiếp cận vốn NH. Với 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý, các cơ quan liên quan cần ngồi lại thảo gỡ cho DN…

Về ý kiến cho rằng các NH đang làm khó DN khi yêu cầu Giấp phép xây dựng, đại diện BIDV khẳng định đây không phải quy định của NH, khi thẩm định có thể không có nhưng khi giải ngân bắt buộc phải có. “NH có những khoản vay dã duyệt rồi nhưng không thể giải ngân vì những lý do như vậy!”- đại diện BIDV chia sẻ và tái khẳng định: NH sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN, định huống cho vay BĐS của Chính phủ nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật…

·

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng kết luận Hội nghị

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng kết luận Hội nghị

Tháo gỡ cho thị trường cần nhiều chính sách khác nhau

Kết luận hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng. Thống đốc hy vọng Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng trong tháng 2 này sẽ có những quyết sách cụ thể.

"Năm 2023, chúng tôi đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào BĐS và sẽ nghiên cứu lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống NH. Năm 2023 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 – 15%, nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng sẽ linh hoạt hơn….”- Thống đốc chia sẻ.

Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN BĐS và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng,Thông đốc cho biết, NHNN đã có một số yêu cầu chi tiết đối với các NH để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường BĐS…

Đọc thêm