Ngành công nghiệp bán dẫn “chạy đua” với thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam. Trong đó chú trọng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư đến năm 2030.
Lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược và ra mắt Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA. (ảnh: MOET)
Lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược và ra mắt Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA. (ảnh: MOET)

Đất nước muốn phát triển phải có nền công nghiệp hiện đại

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Dự và phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, một đất nước phát triển phải là một đất nước có nền công nghiệp hiện đại. Lĩnh vực ứng dụng của ngành công nghiệp bán dẫn hết sức rộng rãi, từ các hệ thống dân dụng như năng lượng, giao thông cho đến sử dụng ứng dụng trong công nghệ thông tin, hay các ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo, internet, vạn vật hấp dẫn, siêu máy tính, đến các hệ thống quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự hội thảo. (Ảnh: MOET)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự hội thảo. (Ảnh: MOET)

Với vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang “chạy đua” với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề, môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn” và “Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế”. Tuy nhiên, đây là bài toán mấu chốt, là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Liên quan đến việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó, nên cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để đội ngũ tiếp tục nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới nhất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.

Các trường đại học không đứng ngoài dòng chảy

Năm 2024, trong đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học có dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, cụ thể: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa…

Tại Trường Đại học Phenikaa, từ năm học 2024 - 2025, trường tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói. Được biết, sinh viên theo học các chương trình này sẽ được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và chuyên sâu về thiết kế mạch tương tự, mạch số và mạch hỗn hợp; thực hành đóng gói và kiểm chuẩn chip tại các phòng thí nghiệm của trường; được giới thiệu thực tập tại các tập đoàn đóng gói và kiểm chuẩn chip hàng đầu tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, các trường đại học không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn. Các trường có thể tuyển mới để đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1 - 2 năm cuối, hay kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1 - 2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Đây là lý do Trường Đại học Phenikaa mở các ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, trường thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn với mục tiêu lâu dài góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế.

Trước đó, Hội thảo “Chương trình đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030: Thách thức và giải pháp”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam; trong đó chú trọng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cần nhiều công nghệ và nhiều ngành đào tạo. Trong đó, có thể có một số ngành, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Cơ cấu này phụ thuộc nhiều vào công việc đầu tư ở Việt Nam. Theo Thứ trưởng, các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài cần thấy Việt Nam có nhân lực thì họ mới đầu tư. Tuy nhiên, muốn thu hút sinh viên vào học, muốn phát triển đào tạo thì phải có thị trường.

Có hai cách ra đời một ngành đào tạo hoàn toàn mới: Một là, ngành lớn phát triển quá mạnh, phạm vi về kiến thức, nền tảng khoa học rộng và phân nhánh. Hai là lai ghép 2 - 3 ngành hiện tại. Thiết kế vi mạch hầu hết xuất phát từ ngành kỹ thuật điện, điện tử hay là kỹ thuật điện tử viễn thông. Chúng ta không chỉ bàn về chương trình đào tạo, mà chúng ta còn bàn về mô hình đào tạo. Bởi vì với mô hình đào tạo khác nhau thì sẽ có chương trình đào tạo khác nhau.

Xuất phát từ mô hình đào tạo, chúng ta có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa nhanh, vừa lâu dài. Nếu bây giờ mới bắt đầu tuyển sinh cử nhân đào tạo 4 năm và phải có ít nhất 1 - 2 năm đào tạo chuyên sâu, như vậy, phải đến năm 2030 mới có khóa đầu tiên. Thứ trưởng cho rằng, các trường không chỉ hợp tác đào tạo trong nước mà cả hợp tác quốc tế. Sinh viên từ trường này, trường khác có thể học tập, trao đổi. Chúng ta muốn đi xa, làm tốt thì cùng làm với nhau…

Nhân dịp này, Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA cũng chính thức ra mắt tại Hội thảo. Liên minh này được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa và thành phố Đà Nẵng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Liên minh sẽ tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, đào tạo nâng cao kĩ năng với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho thị trường trong nước và nước ngoài.