Ngành công nghiệp ô tô: Tái khởi động giấc mơ

(PLO) - Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định 1168/QĐ-TTg) và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1211/QĐ-TTg) được ban hành từ tháng 7/2014, song  đến nay Bộ Công Thương vẫn ở công đoạn lấy ý kiến để ban hành hướng dẫn, trong khi thời hạn giảm thuế nhập khẩu về 0% đã cận kề.
Mẫu xe Camry mới của TMV có đến 90% linh kiện nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan
“Chính phủ quyết tâm”
Quyết tâm của Chính phủ phát triển ngành công nghiệp ô tô được đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tái khẳng định tại cuộc tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô” do Bộ này tổ chức vừa qua. 
Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Tuấn Anh nói rõ, việc trao đổi, đánh giá, đề xuất các định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới phải bao gồm các chính sách về hỗ trợ, ưu đãi, các chính sách về thuế, phí…, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh. 
Có thể nói, qua tổng kết, phân tích và rút kinh nghiệm từ quá trình đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua cho thấy, các chính sách chung hàm chứa nội dung ưu đãi để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ô tô chưa đủ cụ thể và chưa đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, kể cả trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển thị trường ô tô. 
Chính vì vậy, rất cần những đối tác chiến lược có tầm vóc và có quy mô năng lực cả về tài chính và công nghệ, thị trường, có điều kiện tham gia phát triển ngành ô tô trong khung khổ quy hoạch chiến lược lần này…- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Doanh nghiệp lại… hào hứng
Như Báo PLVN đã đề cập, tại buổi họp báo công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Công ty Toyota Việt Nam (TMV) tổ chức hồi đầu tháng 4, trước câu hỏi của báo giới về việc liệu Việt Nam có thể có nền công nghiệp ô tô hay không khi thời điểm cam kết thuế nhập khẩu ASEAN về 0% còn chưa đầy 3 năm, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc TMV cho biết, để sản xuất một mẫu xe mới thì các nhà sản xuất ô tô thường phải mất khoảng thời gian 3 năm chuẩn bị. 
Bởi vậy, điều các hãng xe cần nhất chính là sự ổn định và những lộ trình cụ thể của chính sách. Mặc dù để ngỏ khả năng đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, tại cuộc họp này, đại diện TMV vẫn kỳ vọng với khoảng thời gian 3 năm “nước rút” này, Việt Nam vẫn còn kịp để có nền công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Chính phủ, các Bộ, ngành phải nhanh chóng ban hành các chính sách cụ thể để triển khai chiến lược.
Tại cuộc tọa đàm với Bộ Công Thương, ông Yoshihisa Maruta tiếp tục cho rằng, nhìn về dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn, với dân số hơn 90 triệu người thì kỳ vọng từ năm 2020 đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam  có thể phát triển vượt qua Thái Lan. 
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị áp thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0, trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển vững mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường ô tô các nước trong khu vực. Vì thế, Việt Nam cần đề ra các chính sách, các công cụ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ô tô trong nước cùng các công cụ bảo hộ để ngành công nghiệp này phát triển một cách ổn định, bền vững...
Đại diện Công ty Honda Việt Nam (HVN), Phó Tổng Giám đốc HVN Hồ Mạnh Tuấn cũng thừa nhận thị trường 90 triệu dân là một thị trường lý tưởng, là môi trường thuận lợi khó có doanh nghiệp nào có thể bỏ qua. 
Thêm nữa, Chính phủ tạo điều kiện bằng việc quy định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, điều đó chứng tỏ Chính phủ quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị Chính phủ có thêm những ưu đãi cụ thể về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cho các linh kiện không nhập từ ASEAN, ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế đất đối với DN ô tô trong nước.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho rằng khó có thể có doanh nghiệp nào bỏ cuộc với thị trường còn nhiều dung lượng như ở Việt Nam, trong khi Chính phủ cũng đã khẳng định muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô với những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành rất cụ thể. 
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững thì những đề xuất về giảm các loại thuế, phí chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.
Việt Nam đã bắt đầu mơ về ngành công nghiệp ô tô cách đây 20 năm và nhiều tập đoàn ô tô lớn trên thế giới đã tham gia vào giấc mơ đầy hứa hẹn ấy. Chiến lược, quy hoạch đã thành hình và tại buổi công bố các văn bản được mong chờ này hồi cuối tháng 8/2014, Bộ Công Thương cũng đã khẳng định chậm nhất đến cuối tháng 11/2014 sẽ hoàn thành các cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp ô tô.
Lại thêm một lần khởi động… Mơ thì vẫn mơ, song hẳn doanh nghiệp nào cũng có sẵn phương án dự phòng khi giấc mơ không thành… 

Đọc thêm