Ngành Du lịch Việt tăng tốc phát triển 'điểm đến xanh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phát triển du lịch nóng ở một số địa phương đã và đang gây ra những hệ lụy về môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trước thực trạng đó, phát triển du lịch xanh, xây dựng “điểm đến xanh” - những địa điểm du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Hội An là một trong những điểm đến tiên phong nói không với rác thải nhựa. (Ảnh: LĐTĐ)
Hội An là một trong những điểm đến tiên phong nói không với rác thải nhựa. (Ảnh: LĐTĐ)

Du khách cần điểm đến an toàn và thân thiện

“Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm Du lịch Việt Nam” là chủ đề của “Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025” nhằm tập trung phát triển các điểm đến của du lịch Việt Nam đạt danh hiệu “Du lịch xanh”, góp phần nâng cao thương hiệu của Du lịch Việt Nam về bảo đảm môi trường, an ninh, an toàn và hấp dẫn cho du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VITM Hà Nội 2025, ông Vũ Thế Bình cho hay, những trải nghiệm thực sự an toàn và tính bền vững của điểm đến là các yếu tố du khách quan tâm hàng đầu. Vì muốn được thưởng thức, khám phá, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc nên nhiều người sẵn sàng chi nhiều hơn, miễn sao chất lượng dịch vụ tốt. Do đó, các loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch gắn với khám phá, nghiên cứu ngày càng phát triển.

Tại Diễn đàn “Phát triển các điểm đến xanh - Nâng tầm Du lịch Việt Nam” diễn ra vào ngày 11/4/2025 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị gợi mở, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Việt Nam, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, đã cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, trong đó có các mục tiêu liên quan trực tiếp đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi xanh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Phát triển “điểm đến xanh” - tức là xây dựng các khu vực du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương và mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng - trở thành một hướng đi tất yếu để bảo đảm ngành Du lịch Việt Nam vừa phát triển lâu dài, vừa thích ứng hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, khủng hoảng năng lượng.

“Điểm đến xanh” không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường tự nhiên, mà còn bao hàm cả việc tạo dựng những giá trị văn hóa, xã hội bền vững. Một “điểm đến xanh” lý tưởng phải đáp ứng các tiêu chí như: sử dụng tài nguyên hiệu quả, quản lý rác thải hợp lý, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì giá trị văn hóa bản địa, bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng địa phương và mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách.

Du lịch cần bảo vệ thiên nhiên

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam chia sẻ, du lịch đóng vai trò là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đạt được các “Mục tiêu Phát triển Bền vững”. UNDP đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành, để tiên phong kiến tạo những “điểm đến xanh” với dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam”. Những kết quả ấn tượng từ các chương trình thí điểm ở Ninh Bình và Quảng Nam, cho thấy mức giảm sử dụng nhựa dùng một lần khoảng 40 - 55%, đã chứng minh tác động thực tế của những nỗ lực này trên thực địa.

Ngoài ra, UNDP còn khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần vào bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Dự án thí điểm tại tỉnh Phú Yên và TP Huế, với việc ra mắt gần đây các trạm “Check-in và chia sẻ giao thông xanh” ở Tuy Hòa và Hòn Yến, là một bước đi cụ thể, hiện thực hóa định hướng này.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định, du lịch xanh là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam chuyển mình.

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam đưa ra ý kiến, ngành Du lịch cần tập trung vào bảo vệ thiên nhiên, văn hóa địa phương; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển mạnh; giảm thiểu rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường;…

Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau.

Đọc thêm