Ngành Đường sắt lên kế hoạch chở hàng nghìn người rời TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Đường sắt đang phối hợp với các địa phương để chở hàng nghìn người từ trong tâm dịch tại các tỉnh phía Nam trở về quê hương miền Trung và miền Bắc.
Nhiều người dân phía Bắc đang ở phía Nam muốn về quê (ảnh minh hoạ)
Nhiều người dân phía Bắc đang ở phía Nam muốn về quê (ảnh minh hoạ)

Theo ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đơn vị này đang lên kế hoạch tổ chức các đoàn tàu chuyên biệt chở người ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam về quê các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Việc này sẽ làm giảm áp lực cho các khu cách ly ở phía Nam cũng như đáp ứng nguyện vọng của một lượng lớn người dân có nhu cầu.

Ông Minh cho biết, hiện đang có hàng nghìn người dân miền Trung và miền Bắc muốn rời khỏi các tỉnh phía Nam. Những người này thông qua hội đồng hương và chính quyền địa phương đã gửi văn bản đến VNR bày tỏ nguyện vọng được bố trí về quê bằng đường sắt.

Theo lãnh đạo VNR, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực để đưa người có nhu cầu rời khỏi các tỉnh phía Nam. Dự kiến, đường sắt có thể tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt để đưa người dân các địa phương nơi có đường sắt đi qua để về quê. Đặc biệt, đường sắt có thể bố trí nguyên toa để phục vụ hành khách có nhu cầu thuê riêng cho gia đình... Các toa tàu khách này đều đảm bảo an toàn phòng chống dịch, như chỉ bố trí 50% số chỗ, thực hiện 5k; phun khử khuẩn phương tiện. Các nhân viên đường sắt trên tàu thực hiện việc lưu trú tại chỗ; khi lên, xuống ban không được rời khu vực làm việc...

Ông Đào Tuấn – Giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, đơn vị của ông trực tiếp được giao nhiệm vụ thực hiện việc đưa người dân rời khỏi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam bằng đường sắt. “Hiện nay chúng tôi mới chủ trương giải quyết cho những khách hàng tập thể trước, rồi mới giải quyết nhu cầu đi lại cho các cá nhân đơn lẻ sau”, ông Tuấn nói và cho biết, các khách hàng tập thể này đã có danh sách cụ thể cho VNR.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay ông đã nắm được danh sách khách tập thể ở một số tỉnh có nhu cầu về chung. Cụ thể, Hà Tĩnh khoảng 1.500 người, Nghệ An 2.000 người, Huế khoảng 500 người, Quảng Trị khoảng 400 người... “Ngoài ra còn nhiều tỉnh khác nữa. Trong những ngày tới, danh sách số người muốn về quê bằng đường sắt chắc chắn còn tăng lên”, ông Tuấn nói.

Về phương án tổ chức đưa người dân về bằng đường sắt, ông Đào Tuấn cho biết, người dân sẽ phải xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính trước khi lên tàu. Các đoàn tàu sẽ được tổ chức đi từ ga đầu đến ga cuối, không dừng đón khách dọc đường; người dân cùng tỉnh thì ngồi cùng toa, đến tỉnh nào trước thì dừng toa trả khách ở tỉnh đó. “Công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các địa phương”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty CP vận tải Đường sắt Sài Gòn, hiện chưa biết được khi nào thì các đoàn tàu đặc biệt này có thể chạy. Hiện, ngành đường sắt đang xin ý kiến cơ quan ban ngành TP Hồ Chí Minh, khi được đồng ý mới có thể thực hiện các bước đưa người dân về quê. “Cục Đường sắt Việt Nam đang làm việc với TP Hồ Chí Minh. Được biết, một số lãnh đạo thành phố đang băn khoăn liên quan đến việc tổ chức giãn cách sao cho an toàn. Tuy nhiên, tinh thần chung là đồng ý để người dân đi về bằng đường sắt”, ông Tuấn nói.

Hàng nghìn người ở các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu trở về quê hương ở các tỉnh phía Bắc

Hàng nghìn người ở các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu trở về quê hương ở các tỉnh phía Bắc

Trao đổi với PLVN chiều nay (20/7), ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết, đơn vị của ông đang phối hợp với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch cụ thể để đưa người dân miền Trung và miền Bắc về quê bằng đường sắt. “Sau khi có sự thống nhất, việc này sẽ được thực hiện”, ông Khôi nói.

Trong khi đó, một thành viên Hội đồng thành viên của VNR cho biết, ngành đường sắt đã sẵn sàng đưa người dân có nhu cầu rời TP Hồ Chí Minh. “Hiện chúng tôi đang chờ Cục Đường sắt Việt Nam và các địa phương làm việc với nhau. Khi các phương án đã được thống nhất, tàu chở người dân sẽ được lăn bánh”, ông này nói.

Đại diện từ phía địa phương, ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh - cho biết, địa phương sẵn sàng đón nhận người dân trở về bằng đường sắt. Theo ông Kỳ, hiện nay Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh chủ trì, lên danh sách người dân muốn về địa phương và đang phối hợp với các địa phương phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, bàn các biện pháp để đưa công dân về tỉnh một cách an toàn.

Đọc thêm