Kỳ vọng từ “thủ phủ” xuất khẩu gỗ
Được biết đến là 1 trong 4 “thủ phủ” xuất khẩu (XK) gỗ lớn nhất Việt Nam với giá trị XK chiếm 6% kim ngạch XK chung của cả ngành, lần đầu tiên tổ chức hội chợ quốc tế đồ gỗ ngoài trời với quy mô lên tới hơn 1.000 gian hàng của hơn 100 DN trong nước và quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ, địa phương đầu tư cho sự kiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, độc đáo để mang đến những hình ảnh, không gian đổi mới, sáng tạo rất đáng ghi nhận trong hoạt động XTTM, XK của tỉnh Bình Định.
Bình Định hiện là một trong những địa phương có số lượng lớn các nhà máy chế biến gỗ lớn nhất trong cả nước, tập trung ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài và KCN Long Mỹ, với khoảng 300 DN chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó 245 DN đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chính: Mỹ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản... Đặc biệt, địa phương này ngày càng khẳng định ưu thế về các mặt hàng gỗ kỹ thuật, đồ gỗ ngoại thất trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định Hội chợ sẽ được tổ chức thường niên nhằm thực hiện chiến lược của tỉnh Bình Định đưa ngành gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển xanh hơn, bền vững hơn dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số.
Nhân sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã kêu gọi và bày tỏ mong muốn các tổ chức, hiệp hội, các DN quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng XK chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ khoảng hơn 2 tỷ USD. “Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, DN hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương” - ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Ngành gỗ lấy lại đà tăng trưởng
Phát biểu tại Q-Fair 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, giá trị XK lâm sản năm 2023 sụt giảm chưa từng có trong lịch sử, đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. “Năm 2024, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung còn bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu nói chung, gỗ và sản phẩm của chúng ta nói riêng. Do đó, việc tổ chức Hội chợ là hoạt động rất cần thiết để lấy lại tăng trưởng XK gỗ và lâm sản” - Thứ trưởng khẳng định.
Với quy mô hàng nghìn gian hàng, thu hút hàng trăm nghìn khách hàng tham quan, lãnh đạo Bộ NN&PTNT kỳ vọng đây sẽ là kênh XTTM hiệu quả; tạo ra nhiều sự kết nối, giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với các khách hàng trên toàn thế giới, thu hút khách hàng đến với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản, lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo…
Đại diện Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cùng bày tỏ tin tưởng, với sự đồng thuận, tham gia chủ động, tích cực của Bộ, ngành, địa phương, các DN ngành gỗ cả trong và ngoài nước, Q-Fair 2024 sẽ là XTTM hiệu quả giúp các DN ngành gỗ phát triển thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, XK gỗ và sản phẩm gỗ”.
Không dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, Q-Fair 2024 còn mở ra những cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những đối tác chiến lược để vượt qua khó khăn, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trong môi trường kinh doanh nội địa, từ đó tạo nên những mối liên kết chiến lược và bền vững.
Ông Lê Minh Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định kiêm Trưởng Ban Tổ chức Hội chợ Q-Fair 2024 cũng tin tưởng, Q-Fair 2024 sẽ là kênh XTTM, XK hiệu quả giúp các DN ngành gỗ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, là điểm hẹn của sự sáng tạo, đổi mới để các DN có thể tận dụng cơ hội này tìm kiếm những giải pháp tích cực, kết nối với đối tác tiềm năng và cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vươn tới những đỉnh cao mới, cùng nhau vượt qua mọi thách thức, xây dựng một ngành công nghiệp gỗ mạnh mẽ, chất lượng và có vị thế trên thị trường quốc tế.
Theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội, ngoại thất sẽ 644,1 tỷ USD vào năm 2030 và với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% trong giai đoạn 2022 - 2030, trong đó dự báo sự tăng trưởng khả quan của nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngoài trời, xuất phát từ xu hướng người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Đây có thể coi là động lực để ngành gỗ Việt Nam tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống.