Ngành Hải quan: Nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng, hạn chế phát sinh nợ mới Kỳ 3: Hiệu quả cao từ Chương trình Doanh nghiệp nhờ thu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Để giảm tỷ lệ nợ đọng, cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục thực hiện hàng loạt giải pháp từ làm tốt công tác quản lý thuế đến thu thuế, trong đó phải kể tới Chương trình Doanh nghiệp nhờ thu.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Bình. (Ảnh: T.Bình).
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Bình. (Ảnh: T.Bình).

Quyết liệt giảm nợ đọng

Để giảm tỷ lệ nợ đọng, cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục thực hiện hàng loạt các giải pháp. Cụ thể, thường xuyên đôn đốc các Cục Hải quan tỉnh, TP trong công tác thu hồi và xử lý nợ thuế; rà soát các trường hợp đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ theo quy định để hoàn thiện hồ sơ thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi và xử lý nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế để thu hồi các khoản nợ có khả năng thu; kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, TP đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Đồng thời, cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế quá hạn cho các Cục Hải quan tỉnh, TP; hàng tháng tổng hợp việc thực hiện chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ của các Cục Hải quan tỉnh, TP, đưa ra các chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế kịp thời; Triển khai các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định như phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế, để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, xác định chính xác khoản nợ, nguyên nhân nợ thuế, áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để thu hồi nợ thuế. Tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và Cục Thuế để truy tìm doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp trong công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Tuy nhiên, nhằm hạn chế phát sinh nợ thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu luôn theo dõi sát tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), các tác động ảnh hưởng đến thu NSNN như việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, sự biến động của giá dầu, sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế, các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế để kịp thời đề xuất, báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại các văn bản quy phạm pháp luật và các quy trình liên quan; triển khai có hiệu quả công tác quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm tra sau thông quan theo quy định để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Ngoài ra, ứng dụng hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin hiện có của Tổng cục Hải quan để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, không để tình trạng kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, vi phạm pháp luật về thuế, quản lý thuế về thời hạn xử lý hồ sơ…

Tạo thuận lợi, chủ động cho doanh nghiệp thanh toán thuế

Trong số các giải pháp, sáng kiến được ngành Hải quan triển khai hiệu quả phải kể đến Chương trình Doanh nghiệp nhờ thu (ủy quyền trích nợ). Để hiện đại hóa thu NSNN, năm 2016, Tổng cục Hải quan đã triển khai hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, tạo thêm kênh thanh toán với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Theo đó, việc nộp thuế được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, góp phần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, bảo đảm thông tin nộp tiền được thanh khoản kịp thời, chính xác, giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.

Từ năm 2019, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN, đặc biệt các doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp thuế, Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình Doanh nghiệp nhờ thu. Theo đó, sau khi phát sinh tờ khai nợ thuế thì chuyển ngay thông tin số thuế phải nộp của từng tờ khai sang ngân hàng mà doanh nghiệp đã ủy quyền trích nợ tài khoản nộp thuế theo một định mức về tiền và khoảng thời gian nhất định.

Với phương thức nộp thuế này, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của doanh nghiệp và công chức Hải quan, do vậy rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử 24/7, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, số thu NSNN bằng phương thức điện tử của ngành Hải quan đạt 99,8%.

Từ đầu năm đến nay, về công tác quản lý nợ thuế, ngành Hải quan tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của Cục Hải quan các tỉnh, TP, Cục Kiểm tra sau thông quan; thực hiện rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2023 theo 3 nhóm: nhóm nợ khó thu, nhóm nợ chờ miễn/giảm, nhóm nợ có khả năng thu hồi, đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật đối với từng nhóm nợ theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 2317/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan; theo dõi tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế từng tháng, quý.

Đọc thêm