Ngành Hải quan quản lý rủi ro ngày càng hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ phát hiện vi phạm năm 2023 qua phân luồng, chuyển luồng đều giảm. Đây là kết quả tích cực nhờ ngành đã xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm.
Ngành Hải quan áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro. (Nguồn ảnh: BBN).
Ngành Hải quan áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro. (Nguồn ảnh: BBN).

Kịp thời đề xuất giải pháp, xác định đúng trọng điểm

Năm 2023 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai kịp thời Kế hoạch Kiểm soát rủi ro (KSRR) toàn ngành, phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đề xuất các biện pháp KSRR phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm; triển khai Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan.

Nhờ đó, kết quả công tác KSRR ngày càng chuyển biến. Cụ thể, từ 1/1 - 15/11/2023, tổng số 15.348 hồ sơ vi phạm được thiết lập (giảm 1.127 hồ sơ so với năm 2022); 46.934 lượt tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt (giảm 2.872 lượt so với năm 2022). Tỷ lệ phát hiện vi phạm qua công tác phân luồng, chuyển luồng (từ 1/1 - 31/10/2023): qua phân luồng đỏ là 0,91%, qua phân luồng vàng là 0,08%; qua chuyển luồng: từ vàng sang đỏ là 3,97%, từ đỏ sang vàng là 0,13%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua phân luồng đỏ giảm 0,16%, qua phân luồng vàng giảm 0,10% và tỷ lệ phát hiện vi phạm qua chuyển luồng đều giảm lần lượt là 0,49% (qua phân luồng đỏ) và 0,66% (qua phân luồng vàng).

Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do một số Bộ, ngành chưa quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ, còn thiếu sự kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất.

Đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra

Sang năm 2024, ngành Hải quan xác định mục tiêu trong công tác quản lý rủi ro (QLRR) là rà soát, sửa đổi danh mục mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm các mặt hàng có mức độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành.

Mục tiêu trên xuất phát từ một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các các Bộ gồm: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, quản lý theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao các Bộ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng áp dụng đầy đủ nguyên tắc về QLRR dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ giao các Bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ và các sản phẩm, hàng hóa đã sản xuất theo quy trình, công nghệ tiên tiến; thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền của các nước có công nghệ tiên tiến; trao đổi, chia sẻ, chấp nhận chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành điện tử với các nước như Giấy chứng nhận kiểm dịch (e-phyto), Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)...

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa thông quan, lưu thông trên thị trường. Áp dụng nguyên tắc QLRR dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan Hải quan đối với hàng hóa sau thông quan; giảm thiểu kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định pháp luật. Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu, áp dụng phương pháp QLRR để thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành thống nhất trên phạm vi cả nước.

Đọc thêm