Ngành Hải quan phát hiện, xử lý gần 15.000 vụ việc vi phạm trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Góp phần vào thành tích chung năm 2023 của toàn ngành Hải quan phải kể đến những kết quả tích cực đạt được trong công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, kiểm tra.
Hoạt động trực ban giám sát trực tuyến của cán bộ Hải quan. (Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính).
Hoạt động trực ban giám sát trực tuyến của cán bộ Hải quan. (Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính).

Thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng

Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường; tập trung vào việc: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh, TP hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM; kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023...

Kết quả, toàn ngành Hải quan trong năm 2023 (tính từ ngày 16/12/2022 - 15/11/2023) đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.618 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi: cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người... tập trung chủ yếu tại các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đặc biệt, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ...

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống ma túy. Trong năm 2023 (tính từ 16/12/2022 - 15/11/2023), ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 243 vụ/277 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 112 vụ. Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại.

Nổi bật là Chiến dịch “Con Rồng Mekong” chính thức triển khai từ năm 2018 và đã thực hiện được 5 giai đoạn. Đến nay, Chiến dịch đã thực hiện hết giai đoạn V từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV.

Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan theo chiều sâu

Để góp phần chống GLTM, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường thu thập thông tin, phân tích, xác định trọng điểm để kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container. Qua công tác trực ban đã phát hiện các doanh nghiệp thường lợi dụng các phương thức để buôn lậu, GLTM như không khai báo để nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; khai báo sai tính chất (cũ/mới) của hàng hóa; khai sai tính chất, hàm lượng hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa có điều kiện; khai báo sai hoặc không khai báo rõ tính chất hàng hóa để áp mã sai nhằm giảm số thuế phải nộp…

Cơ quan Hải quan đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức Hải quan trong thi hành công vụ. Cụ thể, trực ban ngành Hải quan đã phát hiện 732 ID vi phạm, trong đó, cơ quan Hải quan các cấp đã khởi tố 4 vụ việc, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ việc. Hiện cơ quan Hải quan các cấp đang củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố đối với một số vụ việc vi phạm khác.

Cùng với đó, hoạt động kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện theo chiều sâu thông qua việc lập danh sách doanh nghiệp giao cho các Cục Hải quan tỉnh, TP tiến hành kiểm tra theo các chuyên đề, các kế hoạch định hướng; kịp thời trả lời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; ban hành công văn cảnh báo về công tác kiểm tra, giám sát của các Cục Hải quan tỉnh, TP đối với hàng nông sản nhập khẩu qua biên giới đường bộ. Toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.698 cuộc (giảm 36% so với cùng kỳ 2022), trong đó có 727 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 971 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 901,74 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách số tiền là 170,42 tỷ đồng (tăng 111% so với cùng kỳ 2022).

Ngoài ra, toàn ngành đã thực hiện 113 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã ban hành kết luận 106 cuộc, ban hành 3 quyết định đình chỉ thanh tra đối với 3 cuộc, đang thực hiện 4 cuộc. Tổng số tiền kiến nghị truy thu trong toàn ngành là hơn 208,5 tỷ đồng.

Đọc thêm