Ngành học tiềm năng trong nền kinh tế mở

(PLVN) -  Ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng ngày càng thu hút nhiều thí sinh lựa chọn do hợp xu thế phát triển và cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
Ảnh minh hoạ

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có lẽ là cái tên còn khá xa lạ với nhiều thí sinh, tuy nhiên trong những năm gần đây ngành học này trở thành một ngành học xu hướng tại hầu hết các trường đại học ở Việt Nam, bởi hiện nay doanh nghiệp đánh giá rất cao vai trò của công tác quản trị dữ liệu hàng hóa, hoạch định chiến lược nhằm phân phối sản phẩm đến tất cả khách hàng trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng kéo theo sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Cùng với đó, hành vi, phương thức giao dịch của người tiêu dùng dần thay đổi từ truyền thống sang trực tuyến. Các hình thức vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt… đều tăng mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng vươn mình phát triển.

Hiện cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và con số này dự đoán sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Nhận thấy tầm quan trọng của logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng là một hướng đào tạo đáp ứng xu thế chung phục vụ cho thị trường thương mại quốc tế.

Một số trường có thế mạnh đào tạo như Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành này với điểm chuẩn 28; Học viện nông nghiệp Việt Nam với điểm chuẩn 18, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, Trường ĐH Giao thông vận tải,

Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM đều có điểm chuẩn ở mức 27,25 điểm. Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi THPT ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là 24.

Nhắc đến ngành học này, phải kể đến một đặc điểm mà nhiều thí sinh chung suy nghĩ, điểm trúng tuyển cao. Lý giải cho yếu tố này nhiều chuyên gia cho rằng, vì xu hướng tuyển dụng cao và đáp ứng ngành nghề nên thí sinh quan tâm theo học ngày càng nhiều, cạnh tranh cao dẫn đến điểm chuẩn theo đó cũng tăng.

Theo đại diện Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) ngay từ những ngày đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ tại trường, nhiều thí sinh và phụ huynh đã đến tìm hiểu thông tin ngành nghề và đăng ký xét tuyển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Điều này cho thấy sức hút, độ phủ sóng của ngành trong thời đại 4.0 là không nhỏ.

Nhiều thí sinh cho biết yêu thích ngành học này vì nhận thấy cơ hội việc làm lớn, đa dạng và thú vị, hơn thế là môi trường học tập quốc tế tạo điều kiện phát triển toàn diện.

ThS Đỗ Thị Thu Hà - Trưởng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng UEF cho biết: “Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại đây, sinh viên sẽ biết sử dụng các phần mềm nghiệp vụ chuyên dụng trong việc thực hiện và tối ưu hóa các hoạt động logistics. Ngoài ra, sinh viên biết ứng dụng các thuật toán vào các phần mềm hỗ trợ việc nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong từng hoạt động logistics”.

Theo ThS Đỗ Thu Hà, sinh viên theo học ngành này được tập trung đào tạo năng lực lập kế hoạch, điều phối, chuyên môn, nghiệp vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng đã được đào tạo. Sinh viên có khả năng phát hiện và giải quyết một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật.

Tại Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng hướng tới đào tạo các thế hệ cử nhân ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo chuẩn mực quốc tế và nhu cầu sử dụng thực tế tại các doanh nghiệp, sinh viên sẽ được tăng cường thực tập nghề nghiệp và kỹ năng sử dụng tiếng Anh.

Theo học ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tại đây, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị "hành trang" kỹ năng chuyên môn quan trọng như kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin… cùng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm...

Đọc thêm