Bức tranh lạc quan toàn ngành
The Asian Bankers - tạp chí quốc tế uy tín chuyên về ngân hàng, tài chính - gần đây đã đưa ra nhận định, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam liên tục được cải thiện, nhờ những nỗ lực cải cách của Chính phủ cũng như chuyển động tích cực của cả nền kinh tế. Nhận định được tổng hợp dựa trên phân tích hoạt động và xếp hạng 16 đai diện ngân hàng Việt Nam, bao gồm cả khối Ngân hàng quốc doanh (NHQD) và Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP).
Theo nhận xét của tạp chí, hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động có hiệu quả tích cực, thể hiện ở tỷ suất tăng trưởng tài sản của Việt Nam cao nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Còn về lợi nhuận, các ngân hàng nội địa đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng 37,4%.
Đặc biệt, khá nhiều chỉ số được ghi nhận cho thấy xu hướng phát triển tích cực. Đơn cử, tỷ lệ tiết kiệm/huy động tăng trưởng bùng nổ, lên tới 1,5 lần so với cùng kỳ; trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 18%. Mặc dù thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ lệ chi phối nhưng trong cơ cấu doanh thu của một số ngân hàng, phí dịch vụ đã gia tăng tỷ trọng đáng kể, tới xấp xỉ 20%. Cũng nhờ huy động tốt và cải thiện tích cực trong hoạt động của các doanh nghiệp, đối tác của ngân hàng mà thanh khoản của hệ thống đã cải thiện rất tốt.
The AsianBanker đề cao nỗ lực xử lý nợ xấu, với tỷ lệ nợ dưới chuẩn chỉ còn 2,5% vào cuối năm 2016, mức thấp nhất trong các năm gần đây. Báo cáo cũngđánh giá cao việc gia tăng ý thức quản trị rủi ro của các ngân hàng, được thể hiện rõ nét nhất trong tuân thủ các quy định mới của ngân hàng nhà nước cũng như các tiêu chuẩn Base II.
Những hạt nhân tích cực
The Asian Banker đã tiến hành xếp hạng 500 ngân hàng trong khu vực, với tổng tài sản 224 tỷ USD, lợi nhuận ròng 1,6 tỷ USD. Trong số 16 ngân hàng Việt được xếp hạng, đáng chú ý, ở hạng mục khả năng sinh lời – Strength Rank(Những ngân hàng mạnh nhất theo bảng cân đối tài sản), Top 3 ngân hàng đứng đầu là Vietcombank (với vị trí 48 trong bảng tổng sắp 500 ngân hàng khu vực), Techcombank (với vị trí 101) và Vietinbank (với vị trí 124). Như vậy, Techcombank là NHTMCP duy nhất có tên trong Top 3 ngân hàng có khả năng sinh lời cao nhất, theo đánh giá của The Asian Banker. Có được thành tích này là nhờ các ngân hàng đã triển khai giải pháp quản lý rủi ro tốt, đồng thời có chất lượng tài sản tốt.
Hồi tháng 9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín S& P cũng đánh giá Vietcombank và Techcombank có kết quả xếp hạng bằng với mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam, hay thường được gọi là “trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia”. Đây là mức xếp hạng cao nhất mà một ngân hàng ở Việt Nam có thể đạt được (cho đến khi S&P nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam). Theo nhận định của S&P, Techcombank có “lựa chọn cân bằng giữa gia tăng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro”. Trong năm 2017, Techcombank đã hoàn tất mua hết nợ xấu từ VAMC, và bắt đầu ứng dụng khung quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế Basel II.
Đánh giá về động thái mua lại nợ xấu của ngân hàng, ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế Đại học Quốc gia cho biết, có 2 điểm đáng chú ý. Trước hết là sức mạnh tài chính của ngân hàng cho phép có nguồn lực dồi dào để mua lại nợ xấu. Bên cạnh đó, là chất lượng các tài sản của các khoản nợ đã tốt lên rất nhiều (có thể đến từ chuyển biến trong hoạt động của DN, trong chính sách đồng hành của ngân hàng và cả chuyển động tích cực của nền kinh tế).
Nhận xét về kết quả thăng hạng của nhiều ngân hàng Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chuyên gia Cấn Văn Lực nói “Tôi tin rằng những ngân hàng thực sự hoạt động bài bản và đạt chỉ số tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới sẽ duy trì được sự phát triển bền vững và đạt kết quả kinh doanh tốt, tận dụng được các cơ hội khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới”.