“Bứt tốc” nhiều chỉ tiêu
Báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn, trong khi cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn.
Bên cạnh đó, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng ĐBSCL. Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.
Hội nghị Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn được tổ chức trực tuyến. |
“Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh.. .Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khẳng định, năm 2020 là năm mà nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành “bứt tốc”. Nổi bật là nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, năm 2020, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo)...
Thách thức lớn: Tăng trưởng chưa thực sự bền vững…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm nay. Theo Thủ tướng, năm 2020, bão chồng bão, lũ chồng lũ, đặc biệt là dịch COVID-19 nhưng năm 2020 là một năm ngành nông nghiệp có nhiều điểm sáng toàn diện, tiếp tục khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế…
Nhắc lại nhận định của tổ các quốc tế cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng khẳng định, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (năm 2019 kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp đạt 40,6 tỷ USD), ngành nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào kết quả này. “Bệ đỡ này này giúp Việt Nam phát triển bình thường và có tăng trưởng dương!” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện nay thế giới có xấp xỉ 1 tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo. Còn tại Việt Nam, nhờ đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, không có tình trạng người dân bị đói, số hộ nghèo cả nước hiện chỉ còn 4,2%. Theo Thủ tướng, Việt Nam cũng có thất nghiệp nhưng rất ít, “về quê họ vẫn sống bình thường…” - Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cũng đặc biệt đánh giá cao kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới khi theo kế hoạch, nước ta phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến nay số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đạt 62%...
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, thời tiết, khí hậu ngày một cực đoan, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. “Tuy nhiên, chúng ta có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai nên ngành Nông nghiệp cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể để biến nguy thành cơ, đảm bảo ổn định sản xuất…” - Thủ tướng chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn, môi trường nông thôn nhiều nơi còn ô nhiễm. Bên cạnh đó, thu nhập người dân nông thôn thấp so với khu vực, tỷ lệ lao động nông thôn còn cao.
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần có giải pháp, phối hợp để hạn chế tồn tại trên.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong năm 2020, dự báo cung cầu của ngành Nông nghiệp còn hạn chế (ví dụ như dự báo cung cầu thịt lợn trong 6 tháng đầu năm chưa chính xác), do đó ngành nông nghiệp cần có dự báo chính xác về cung cầu, đặc biệt là dịp Tết này để tránh tình trạng thiếu những thực phẩm thiết yếu, bị đẩy giá lên cao.
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cùng đồng tâm hiệp lực, hợp tác để phát triển toàn diện bền vững, thu hút nhiều DN nhất là DN lớn, DN FDI đầu tư vào nông nghiệp…