|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị |
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 6/2017, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.
Trong tổng thu NSNN, thu ngân sách trung ương (NSTW) ước đạt 41,5% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) 54% dự toán; trong đó, có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ...
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ thu NSNN, đặc biệt là thu NSTW đạt thấp; công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động SX-KD của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn...
Đặc biệt công tác điều hành chi NSNN được đánh giá chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Cụ thể, tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi NSTW bằng khoảng 43,5% dự toán.
Không đưa con số cụ thể về nợ công, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết ngoài hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý nợ công, Bộ đã tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn. Tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng đa dạng hóa các nhà đầu tư TPCP, tập trung phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên để kéo dài kỳ hạn trái phiếu (kỳ hạn phát hành TPCP 6 tháng đầu năm bình quân là 14,1 năm, lãi suất bình quân khoảng 6,3%/năm). Tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh. Kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của NSĐP trong phạm vi Quốc hội cho phép...
Kỷ luật ngân sách là quốc sách
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ngành Tài chính đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao và phối hợp hiệu quả với các công cụ kinh tế vĩ mô khác, đạt nhiều kết quả tích cực. Chính sách tài khoá chặt chẽ đã góp phần bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và được tăng cường, mặc dù từ đầu năm nền kinh tế chịu nhiều áp lực lớn từ tỉ giá, lãi suất và lạm phát, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất đồng USD.
Liên quan đến công tác thu NSNN, Phó Thủ tướng đánh giá nhiệm vụ thu ngân sách đạt khá, tuy chưa được 50% dự toán nhưng tăng 13,9% so với cùng kỳ và cuối năm sẽ có nhiều cơ hội thu tốt hơn.
Đồng tình với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, toàn ngành tập trung cao độ hoàn thành và vượt mức thu - chi ngân sách năm 2017. Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính phấn đấu thu NSNN vượt 5-8% so với kế hoạch bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế thuế để tăng thu nội địa nhưng lưu ý không lạm thu.
Về nhiệm vụ chi ngân sách, Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ đối với ngành Tài chính là phải theo sát tinh thần Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị là chi theo dự toán. Nếu bộ, ngành và địa phương thu không đạt dự toán thì phải có nguồn tài chính bù đắp, nếu bù đắp không đủ dự toán thì cắt giảm chi tương ứng. “Bây giờ kỷ luật ngân sách là quốc sách, cùng với bảo đảm tăng trưởng kinh tế để giữ an toàn nợ công”, Phó Thủ nhấn mạnh…