Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đang có nhiều tín hiệu tích cực, với mức tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các thị trường lớn.
Cụ thể, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục là những thị trường quan trọng. Chỉ trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm sang đây đạt 91 triệu USD, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã lên tới 676 triệu USD, tăng 31%. Trong đó, mặt hàng tôm hùm đặc biệt bứt phá, với mức tăng trưởng vượt trội 157%, đạt 298 triệu USD. Sự tăng trưởng này có được một phần nhờ các chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc, tạo điều kiện cho hàng hóa, trong đó có tôm Việt Nam, thâm nhập thị trường mạnh mẽ hơn.
Tại thị trường Mỹ, tình hình cũng khởi sắc. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Tính cả 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 646 triệu USD, tăng 10%.
Đáng chú ý, nguồn cung tôm từ các nước xuất khẩu lớn khác vào Mỹ đang giảm, tạo ra lo ngại thiếu hụt và mở ra cơ hội lớn cho tôm Việt Nam. Cùng với đó, tồn kho giảm và tình hình kinh tế lạc quan hơn đã giúp giá tôm tại Mỹ tăng lên.
Theo VASEP, việc đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump sau khi tái đắc cử đã thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ nhập hàng nhanh hơn để tích trữ, khiến nhu cầu nhập khẩu, bao gồm tôm, tăng đáng kể trong ngắn hạn.
Tại châu Á, hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho thấy sự phục hồi. Sau thời gian biến động, xuất khẩu tôm trong tháng 10 đã tăng lần lượt 18% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở châu Âu, xuất khẩu tôm trong tháng 10 tăng 32%. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch đạt 408 triệu USD, tăng 17%. Điểm đáng mừng là nhu cầu nhập khẩu tôm từ EU khá ổn định trong năm nay và liên tục tăng trưởng kể từ tháng 4.
“Nhìn chung, ngành tôm Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế. Giá tôm xuất khẩu, đặc biệt là tôm chân trắng, đang tăng trở lại, giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng cũng phát triển mạnh, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng hiệu quả, không chỉ tập trung vào khối lượng mà còn nâng cao giá trị sản phẩm” – VASEP nhận định.
Cũng theo cơ quan này, trong năm 2023, ngành tôm gặp nhiều khó khăn do lạm phát, dư cung và giá giảm. Tuy nhiên, năm 2024 đã chứng kiến sự thay đổi tích cực: lạm phát giảm, nhu cầu nhập khẩu tăng, sản lượng tôm toàn cầu không còn tăng nóng, và giá thế giới đang hồi phục. Mặc dù còn nhiều thách thức, mục tiêu đạt 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay là điều hoàn toàn khả thi.