Ngày 25/2 Trực tuyến phổ biến Luật Lý lịch tư pháp

Dự kiến, ngày 25/2, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư phápbằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 3 điểm cầu ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Theo dự kiến, ngày 25/2, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư pháp bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 3 điểm cầu ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Dưới sự điều hành chung của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tại điểm cầu Hà Nội, Hội nghị sẽ phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư pháp cho lãnh đạo, cán bộ Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương về những nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Điểm cầu tại Hà Nội có sự tham dự của đại biểu 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc do lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp chủ trì. Điểm cầu tại Đà Nẵng có sự tham dự của đại biểu 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung do lãnh đạo Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia chủ trì. Điểm cầu tại TP.HCM có sự tham dự của đại biểu 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam do lãnh đạo cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM chủ trì.

Hội nghị sẽ tập trung báo cáo, thảo luận 3 chuyên đề, gồm: Những nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp; Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Cơ chế phối hợp giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp.

Chuyên đề đầu giới thiệu về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lý lịch tư pháp, điều khoản chuyển tiếp.

Chuyên đề thứ 2 làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý, lưu trữ, xác minh thông tin lý lịch tư pháp; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Ngoài ra, chuyên đề phân tích chức năng của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong hướng dẫn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp và giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp. Đối với các Sở Tư pháp, chuyên đề làm rõ chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương; mối quan hệ giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Chuyên đề thứ 3 tập trung làm rõ mối quan hệ giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia với VKSNDTC, cơ quan Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; mối quan hệ giữa Sở Tư pháp với TAND, cơ quan thi hành án dân sự địa phương, các cơ quan, tổ chức khác trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp; mối quan hệ giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (thông tin đầu ra).

Thục Quyên

Đọc thêm