Ngày hội của những người làm hòa giải cơ sở

(PLO) - Những ngày này, Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III đang ở giai đoạn “nước rút”. Nhìn lại quá trình tranh tài ở các địa phương cho thấy, hội thi là đợt sinh hoạt pháp lý thiết thực, ý nghĩa, khẳng định vai trò công tác hòa giải trong đời sống xã hội.
 
Thi Hòa giải viên giỏi ở Lai Châu.
Thi Hòa giải viên giỏi ở Lai Châu.

Đến nay, các địa phương đã trải qua các vòng thi ở cấp cơ sở, chuẩn bị cho vòng thi sơ khảo sẽ diễn ra tại 3 miền. Để đi đến hành trình này là sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan tư pháp các cấp, bởi không chỉ tổ chức hội thi ở cấp tỉnh, ở các địa phương việc tuyển chọn tranh tài diễn ra hết sức nghiêm túc từ cơ sở (cấp huyện), thậm chí từ cấp xã.

Đơn cử ngay từ những ngày đầu tháng 5/2016, đồng loạt các xã ở huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức thi hòa giải viên giỏi với sự tham gia của hàng trăm hòa giải viên. Tại Lai Châu, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn song chính quyền các cấp cũng đã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức cuộc thi với nhiều dấu ấn.

Các tỉnh vùng sông nước khu vực phía nam dù cách trở về địa hình, khó khăn về kinh phí song vẫn nhiệt tình tham gia và thi rất bài bản. Một số tỉnh, TP hội thi được các nhà chuyên môn và dư luận đánh giá cao như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... Hơn cả, Hội thi nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các thí sinh, bởi đây là cơ hội họ học tập, trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ và thể hiện sự nhiệt huyết của mình với công việc mà nhiều người vẫn cho rằng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Với việc thiết kế các phần thi và trả lời câu hỏi diễn ra ở địa phương, đại đa số ý kiến đánh giá là phù hợp, thiết thực vừa thể hiện được hiểu biết pháp luật cũng như năng khiếu, tình cảm của thí sinh, cũng là cơ hội giới thiệu về mảnh đất, con người nơi thí sinh đang sinh sống và làm việc. Với quy mô và cách thức tổ chức khác nhau, nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở hội thi: đây là ngày hội, một đợt sinh hoạt văn hóa pháp lý sâu rộng và rất ý nghĩa, thiết thực, không chỉ nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác này mà còn đưa pháp luật về hòa giải ở cơ sở và các quy định pháp luật mới ban hành vào cuộc sống, gần gũi hơn với mỗi người dân; động viên, khích lệ mọi nguồn lực xã hội tham gia.

Nhìn lại cuộc thi ở cấp cơ sở, Ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2016 cho biết  hầu hết các địa phương đều đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn hưởng ứng Hội thi với tinh thần hồ hởi, vui tươi; tích cực tập luyện bảo đảm chất lượng. Gần 40 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi ở các cấp: xã, huyện, tỉnh để chọn ra 01 đội thi xuất sắc nhất về dự Hội thi; một số địa phương đã tổ chức Hội thi trong toàn tỉnh các năm trước đây thì không triển khai thi tiếp mà lựa chọn và cử 01 đội dự thi.

Đến nay đã có 63/63 địa phương khẳng định đăng ký danh sách 01 đội dự thi gửi về Bộ Tư pháp theo Thể lệ. Đa số các đội thi đều đăng ký số lượng từ 04 đến 07 thành viên, điều này cho thấy, Hội thi đã thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo, rộng khắp trong cả nước và hứa hẹn nhiều kết quả tích cực. Sắp tới đây, vòng sơ khảo ở 3 miền sẽ diễn ra tại Ninh Bình, TP Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vòng chung khảo sẽ được tổ chức tại TP Hà Nội trong 3 ngày (4-6/11/2016) với sự tham gia của 12 đội thi đại diện cho 3 khu vực trong cả nước.  

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 117.660 Tổ hòa giải; 669.873 hòa giải viên; trong 6 tháng đầu năm 2016 cả nước tiếp nhận 103.381 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 73,41% (tăng trên 0,33% so với cùng kỳ năm 2015). Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao (như Hà Nam - 95,8%, Yên Bái - 91,7%, Vĩnh Long - 88,4%, Quảng Bình - 86,2%, Long An - 85,2%, Gia Lai - 84,7%). Bộ Tư pháp đánh giá: công tác hòa giải cơ sở tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong gắn kết cộng đồng dân cư, bảo đảm ổn định trật tự an toàn cơ sở.

Đọc thêm