Ngày hội văn hoá cồng chiêng chào mừng 130 năm Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 22/12, UBND xã Tà Nung (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức Ngày hội văn hóa cồng chiêng Chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 – 2023).
Người dân cùng các nghệ nhân tay trong tay cùng nhau vui hát, múa xoay vòng quanh đám lửa ngoài trời.
Người dân cùng các nghệ nhân tay trong tay cùng nhau vui hát, múa xoay vòng quanh đám lửa ngoài trời.

Đây là dịp để nhân dân xã Tà Nung nói riêng và TP Đà Lạt nói chung khơi dậy niềm tự hào về thành phố anh hùng, “Thành phố Festival hoa Việt Nam”, ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, sự đóng góp của các thế hệ nhân dân, các dân tộc TP Đà Lạt; đồng thời, đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn...

Tại Ngày hội cồng chiêng, 6 thôn trên địa bàn xã Tà Nung tham gia các trò chơi dân gian nhằm khơi lại không gian văn hoá cồng chiêng để nhân dân có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tích cực hưởng ứng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Cùng với đó, các đội cồng chiêng ở các thôn được giao lưu cồng chiêng với 3 bài chiêng truyền thống, gồm: Pết tôr Jun, Rô dà, Pac viếp. Sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng còn được kết hợp với giao lưu văn nghệ, múa xoang.

Một tiết mục văn nghệ trong Ngày hội văn hoá cồng chiêng.

Một tiết mục văn nghệ trong Ngày hội văn hoá cồng chiêng.

Các nghệ nhân cùng các đại biểu dự Ngày hội và các tầng lớp nhân dân xã Tà Nung còn tay trong tay cùng nhau vui hát, múa xoay vòng quanh đám lửa ngoài trời; đồng thời, mọi người còn cùng nhau thưởng thức những chóe rượu cần, những món ăn ngon độc đáo và rất đặc trưng của người đồng bào Tây Nguyên.

Vào ban ngày, tại Ngày hội còn được diễn ra với các trò chơi dân gian, gồm: kéo co, lấy nước vào bầu, bịt mắt bắt vịt.

Thông qua Ngày hội góp phần tuyên truyền đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phong cách người Đà Lạt “ Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”. Đặc biệt qua đó, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đọc thêm