Ngày mới trên đảo tiền tiêu

(PLO) - Cách đất liền gần 10 tiếng tàu khơi, Bạch Long Vĩ là thử thách nhưng cũng là niềm mơ ước tự hào với những bàn chân tuổi trẻ. Những con người muốn vươn cánh tay, lồng ngực để hít hà hơi thở biển khơi của Tổ quốc. Đảo xa khơi, điểm địa đầu của sóng, của gió, của những tuổi xuân hi sinh thầm lặng.
Một góc đảo Bạch Long Vĩ
Một góc đảo Bạch Long Vĩ

1. Ra đến đảo là lữ khách đã vượt qua được thử thách của sóng. Sóng dập dềnh, sóng nhồi con tàu lên xuống theo con nước. Ai đã từng say tàu, say xe, sẽ hiểu cái cơn say sóng nó khủng khiếp thế nào. Những người không say xe, cũng không hẳn sẽ chịu được những cú dập vùi của sóng.

Giữa biển cả mênh mông, con thuyền của người ngư dân đưa chúng tôi đi cả trăm cây số biển. Biển gần bờ thì còn yên ả, xanh trong; giữa trùng khơi, cả con thuyền chứa mấy chục con người chỉ như chiếc lá tre rơi vào vòng xoáy. Khắp xung quanh bốn bề là biển, biển ban ngày có màu xanh của trời, có ánh bạc của mây, đi Bạch Long Vĩ là được thấy cả biển đêm.

Biển đêm chỉ nghe tiếng ì ầm, óc ách, nghe tiếng gió u u và thấy chỉ một màu sâm sẫm ngút tầm mắt, lạnh cả tiếng nói rì rầm. Tiếng tàu nhẹ khua sóng, khe khẽ nhịp máy, sáng lấp lánh chân trời là những bóng điện cao áp giăng giăng. Chú lái tàu bảo đấy là người ta đi đánh cá đèn ngoài khơi. Mùa này, đèn sáng cả một góc trời, cá cứ chạy theo bóng tàu lấp loáng mà hoà vào lưới, xôn xao hết cả cho đến tận sáng hôm sau…

Chập chờn cơn ngủ mệt nhoài sau những đợt sóng không ngớt, trời còn tối và đồng hồ trên tay cũng đang chập 2 kim vào nhau ở số 11 mờ mờ. Tàu gần cập bến, đoàn người lao xao dậy lo toan hành lý. Vị muối mặn mòi của biển khơi, dấp dính áo quần, dấp dính cả những tay xách ba lô còn nguyên tag vé máy bay từ chuyến du lịch trước.

Tàu ghé sát vào âu - những khối bê tông chạc ba vươn mình đen sẫm. Sóng ì oạp, triều dần lên, 2 vòng cung bê tông như đôi cánh tay vững chãi, vươn ra từ đảo, chắn che cho “bầy” tàu thuyền về đến bến muộn màng. Đèn nhấp nháy trên những con tàu đã ngủ, thấp thoáng bóng cờ giữa ánh sáng của biển đêm. Ngọn hải đăng rực sáng, quệt một vệt dài, lướt một vòng dò xét rồi quay đầu đi chỗ khác.

Tôi xách ba lô lên xe, tiếng máy chạy nghe bịch bịch, ánh đèn quệt quệt trên từng khối bê tông. Chuyến này đi, chúng tôi được ở trong doanh trại của những anh lính biên phòng. Bon bon chừng 10 phút, đón đám thanh niên đất liền bằng nồi cháo hải sản nghi ngút, các anh bộ đội đóng quân trên đảo hóm hỉnh bảo: “Ăn cho bù lại chỗ đồ ăn đất liền đã “tặng” biển khơi vì cú say sóng hôm nay”.

Chúng tôi nhìn nhau, cái cảm giác ấm áp thân quen đến lạ. Lâu lắm rồi, hình như ở xa đất liền, con người nhìn con người lại thêm nhiều trân quý. Vị cháo hải sản ngọt ngọt, mặn mặn, đưa cái đầu ong ong của chúng tôi trở lại với cơn thèm ngủ hàng ngày.

Tàu thuyền ngư dân về cập bến trên đảo
Tàu thuyền ngư dân về cập bến trên đảo

2. Một đêm mệt nhoài đã trôi qua như thế! Tỉnh dậy, khi tiếng tập thể dục buổi sáng cứ văng vẳng vào tận trong phòng. Cái nắng ở đây hình như đến sớm hơn, ngày mới cũng đến trước đất liền. Và chính vì thế mà chúng tôi tiếc ngẩn ngơ cái cảnh bình minh mọng đỏ của sớm mai đầu tiên trên đảo đã trót bỏ qua…

Tôi nhớ hồi xưa, nhà văn Nguyễn Tuân tả bình minh, mặt trời trên biển cứ như cái lòng đỏ trứng gà ngon mắt. Hồi ấy đi học, tôi cứ ước mơ được thấy một lần, vậy mà hôm nay lại bỏ lỡ mất! Một buổi sáng đẹp trời, ngắm bình minh rực rỡ, nhìn thấy cái “lòng đỏ trứng gà” kia có phải là tuổi thơ cảm thấy đáng yêu hơn không?

Các anh lính bảo: “Mỗi ngày diện tích đảo thay đổi hơn một cây số vuông vì thủy triều, đến trưa là đảo rộng nhất, gần 4 cây số đấy! Lúc ấy thì những con thuyền cá kia không còn trong âu nữa, phải theo nước mà rút ra ngoài gần hết. Chủ thuyền nào lơ đãng, hoặc đi đánh cá đêm về là để chúng mắc cạn luôn. Chiều về, nước lại lên, những con thuyền lại dập dềnh trôi đi. Ngày qua ngày, cứ thế, người ta bám biển, có những con tàu biển Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi cũng ra mãi tận đây”.

Dân chài bám đời trên biển, đi một chuyến cũng đến cả tháng ròng. Bao lương thực, bạc tiền cũng chỉ trên con tàu gỗ dập dềnh ấy. Một người lính đảo bảo, anh cũng giống dân chài, đi một chuyến thăm nhà, hết phép là lại biền biệt cả năm ròng ngoài này, ngày đêm gác biển với anh em. Có nhà chài cả vợ con đều chung cùng chuyến cá, đỡ buồn, chứ như các anh chỉ có cư dân ở đây đùm bọc, có anh em hải quân, pháo binh, rađa… gắn kết sẻ chia phần nào nỗi nhớ đất liền.

Bạch Long Vĩ là đảo xanh. Ở đây có cây cối mút màu xanh, có nước ngọt từ tận trên đồi cao chảy xuống, có giếng khơi, có cả những máng, nhưng bể nước mưa mà bà con trên đảo tích trữ. Bàng xanh mướt, phi lao xanh um, những cây ăn quả xum xuê, nhãn, na, xoài, ổi…đủ cả.

Biển trời xanh ngắt một màu hắt ánh nắng lên những hàng dừa lúc lỉu chạy vòng theo con đường bê tông lớp nối lớp ngoằn ngoèo từng tầng đảo. Cái tên Bạch Long Vĩ gợi hình ảnh một cái đuôi rồng trắng xóa một màu. Không biết đặt tên Bạch Long là trắng vì sóng bạc đầu vòng quanh đảo hay vì bờ biển ở đây cát trắng trải dài ngút tầm mắt?

Có nhà văn từng ví von rằng, mặt trời trên biển, nhìn từ đảo tựa như cái lòng đỏ trứng gà ngon
Có nhà văn từng ví von rằng, mặt trời trên biển, nhìn từ đảo tựa như cái lòng đỏ trứng gà ngon

3. Đảo là đảo tiền tiêu, là nơi xa xôi nhất của vịnh Bắc Bộ, ở đây quân và dân, từ những bộ binh đến biên phòng, hải quân hay những chiến sĩ phòng không, rada cũng đều ngày đêm túc trực. Những tuổi thanh xuân lặng lẽ cất lại trên cái âu thuyền cong cong, cất lại trên bờ kè xanh ngút mắt, cất lại trên cả những luống rau tăng gia, những tiếng hô một hai mỗi chiều tập trận.

Ở đây, hình như vẫn chưa bị ngành Du lịch để mắt đến nên tất cả còn thân thương, gần gũi lắm. Dạo vòng quanh đảo, 4 cây số vuông, bàn chân đi chưa mỏi đã trở về, vẻ hoang sơ của những bờ biển cát trắng đổ dài, hút hồn đám du lịch bụi. Những cư dân ở đây đều có một cuộc sống yên bình thân thuộc. Hàng quán san sát nhau, những bàn tay thoăn thoắt nhặt nhạnh cá tôm, những tiếng nói cười xôn xao… Một mảnh quê chài trôi dập dềnh giữa sóng.

Đứng trên bờ kè, nhìn bọt sóng đánh tung một màu trên nền biển xanh mênh mông, gối lên trời xanh là lá cờ Tổ quốc đỏ rực, lấp lánh bay. Những bàn tay bất giác giơ lên, khép sát trán, chào thật nghiêm về hướng “Mẹ đất liền”. Mẹ dõi theo, bao bọc và chở che: “Làm thế là chào về đất mẹ để mỗi chiều về đỡ nhớ nhà hơn, yên tâm tập trung cho chiến đấu”.

Ở đây là đảo – bốn bề nước xanh, cách đất liền 60-70 hải lý. Giữa biển khơi, xung quanh là những ngôi nhà dân san sát, ngọn núi xanh một màu dựa lưng về biên giới. Nhớ đến cảm giác lâng lâng tự hào, dâng lên trong lồng ngực, cũng như khi đứng bên này sông Nho Quế, chào cờ dưới cột cờ Lũng Cú hay đứng bên này cửa khẩu, quay mặt nhìn về quê hương. Bao đời nay cũng thế, cảm giác đặt chân lên điểm địa đầu Tổ quốc, đặt chân lên cương giới, chạm tay vào cột mốc biên thùy,… trong lòng đều không khỏi bồi hồi.

Hoàng hôn trên biển thật đẹp. Lần đầu tiên được ngắm nhìn bầu trời đỏ ối với vầng hào quang rực rỡ. Đứng trên điểm cao của Trạm rada 490, nhìn về phía Tây, thấy ánh mặt trời tắt nắng, đổ một màu biển úa vàng rực lửa. Phía đó là sóng, là cây xanh, là chân trời hun hút, là mặt trời lặn phía đất liền… màn đêm kéo về từ từ trong tiếng sóng xa xôi. Sóng đu đưa, những con tàu lên đèn rời bến, những chuyến khách đất liền lại rục rịch nhổ neo. Những ngôi nhà giữa đảo khơi xa lại lên đèn cho bữa cơm chiều đầm ấm, lại những tiếng lao xao gọi nhau về… Thân thương quá!

Chúng tôi không ai bảo ai cũng nghiêm mình chào Tổ quốc. Hẹn đất mẹ thêm 9 tiếng tàu đêm…

Đọc thêm