Thực tiễn ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, "Ngày pháp luật" rất có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Từ kinh nghiệm này, Vĩnh Phúc đã có những sáng kiến cho “Ngày pháp luật” của riêng mình.
Lực lường nòng cốt hùng hậu
Ngày 26/11/2010 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện "Ngày pháp luật" nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng xã hội. “Ngày pháp luật" trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện theo kế hoạch của mỗi đơn vị nhưng có một điều chung nhất là “Ngày pháp luật” phải được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần.
Với gần 400 báo cáo viên pháp luật, cán bộ pháp chế, đây là lực lượng nòng cốt xây dựng kế hoạch và thực hiện "Ngày pháp luật" cho các ban, ngành và UBND huyện, thành, thị. Một số sở, ban, ngành đã ban hành hướng dẫn, kế hoạch thực hiện trong toàn ngành, thống nhất ngày cụ thể hàng tháng làm “Ngày pháp luật” điển hình như: Sở Tài nguyên môi trường, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Trường chính trị tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh...
Các cán bộ Sơ Tư pháp phân chia sách để chuyển cho các Tủ sách pháp luật |
Các đơn vị còn lại tuy không ban hành kế hoạch cụ thể nhưng đã triển khai thực trong cơ quan, đơn vị mình. Một số sở ngành đã thành lập được Ban chỉ đạo, Tổ báo cáo viên thực hiện “Ngày pháp luật” như Toà án nhân dân tỉnh, Ban dân tộc…; một số đơn vị đã dành kinh phí cho việc thực hiện “Ngày pháp luật” như Sở Tư pháp, Trường chính trị, Sở Thông tin & truyền thông. Điển hình có sở chọn đơn vị thí điểm triển khai thực hiện sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình như Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn.
Làm tốt “Ngày pháp luật”, nhẹ gánh cho hòa giải
Hình thức triển khai “Ngày pháp luật” tại Vĩnh Phúc rất đa dạng, phong phú và thiết thực, trong đó hình thức được sử dụng nhiều nhất là: lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với tổ chức nội dung sinh hoạt của cơ quan tại các cuộc họp thường kỳ, mời báo cáo viên giới thiệu và nội dung pháp luật, sưu tầm tài liệu, trang bị thêm sách pháp luật…
Ở cấp huyện, tùy theo tình hình đặc điểm từng nơi, từng địa bàn dân cư các huyện đã ban hành kế hoạch, quy định thời gian thực hiện "Ngày pháp luật" phù hợp với nếp sinh hoạt của người dân tại mỗi thôn, bản, làng, khu dân cư. Một số huyện đã làm tốt ngày này như UBND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô. Các huyện, thành, thị đã triển khai “Ngày pháp luật” thông qua các Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở, sau 1 tháng triển khai đã mở được gần 15 lớp tập huấn.
Hiện nay, Vĩnh Phúc có 1.441 tổ hòa giải với trên 98.000 hòa giải viên, vì vậy gắn "Ngày pháp luật" với hoạt động của các tổ hòa giải mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Với gần 3.000 tuyên truyền viên pháp luật - các xã, phường, thị trấn nếu mỗi tháng tổ chức một buổi sinh hoạt công cộng hoặc mở hội nghị lồng ghép PBGDPL tại khu dân cư để báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giải đáp các câu hỏi về pháp luật của người dân thì hiệu quả sẽ vô cùng lớn.
Kim Yến