Ngày Pháp luật - Thông điệp về một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

(PLO) - Tối qua (8/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng công bố ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày Pháp luật - Thông điệp về một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hải Chuyền; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư Lê Thị Thu Ba; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Bí Thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM Nguyễn Đắc Vinh cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đại diện các tầng lớp nhân dân và sinh viên Thủ đô Hà Nội... đã tham dự sự kiện trọng thể này. 
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng, đường lối, cương lĩnh của Đảng, ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân. Vì vậy, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. 
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người. 
Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải  được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp, pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.  
Đánh giá cao những kết quả mà công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã đạt được sau gần 30 năm đổi mới,Thủ tướng cũng nhận định: “Hệ thống pháp luật nước ta còn chưa thực sự đồng bộ. Chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu”.  
Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, Thủ tướng yêu cầu: “Cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”. 
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng: “Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nêu gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy”. 
Thủ tướng lưu ý: “Ngày Pháp luật được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp 1946 quy định. Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật”.

Đọc thêm