Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mỗi quân nhân cần phải có một nội lực chính trị - tinh thần vững chãi làm nền tảng để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, giáo dục truyền thống cho bộ đội là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Những năm qua, các đơn vị trong toàn quân luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục truyền thống dân tộc nhằm giúp cho các chiến sĩ nắm rõ hơn về lịch sử, văn hoá, cội nguồn dân tộc, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm hào hùng của quân và dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Qua đó góp phần bồi dưỡng cho mỗi quân nhân tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, niềm vinh dự được trở thành người lính “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Nét đẹp ngày Tết trong Quân đội
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) lại sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: hội thi gói bánh chưng, bánh tét, trang trí bàn thờ Tổ quốc, trang trí cổng chào, vườn hoa xuân, giao lưu thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian...
Việc chuẩn bị cho một cái Tết “vui tươi, đầm ấm, ý nghĩa, an toàn, sẵn sàng chiến đấu cao” được các đơn vị “tranh thủ” chuẩn bị ngày từ Tết Dương lịch, riêng việc ươm trồng hoa tươi thì trước gần 3 tháng. Dù mỗi ngày, hoạt động huấn luyện đều rất vất vả, song cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều rất háo hức khi được tự tay chăm lo Tết cho đơn vị.
|
Bộ đội tham gia các trò chơi dân gian trong ngày Tết. (Ảnh: PV) |
Ở thao trường gói bộc phá, thuốc nổ, về đơn vị gói bánh chưng, bánh tét. Hai việc khác nhau hoàn toàn nhưng đều có điểm chung là đòi hỏi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận. Nếu đồng chí nào không tự tin tự làm một mình thì đã có đoàn viên, thanh niên kết nghĩa tại địa phương đến hỗ trợ. Không khí đón Tết xa nhà nhưng vô cùng ấm áp tình đồng đội, tình quân dân.
Chiến sĩ Nguyễn Minh Quân lần đầu đón Tết trong quân ngũ và cũng là lần đầu biết gói bánh chưng, bài trí mâm ngũ quả, trồng hoa xuân. Đồng chí chia sẻ: “Được cùng với cán bộ và anh em trong đơn vị chuẩn bị đón Tết, tôi mới thực sự hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, các nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Qua đó tôi càng thấm hơn bài giảng của đồng chí chính trị viên đại đội, đó là bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ biên cương, lãnh thổ mà còn phải bảo vệ nền văn hoá của dân tộc”.
|
Khu vực chụp ảnh lưu niệm là tiểu cảnh gợi nhớ đến đồng quê thôn dã. (Ảnh: PV) |
Tổ chức đón Tết sôi nổi trong đơn vị không chỉ là hoạt động “bề nổi” mà là cách thức giáo dục truyền thống hết sức sinh động, thuyết phục và hiệu quả. Đại tá Hà Văn Suất, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 309 cho biết: “Sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và các quan điểm sai trái, lệch lạc về những giá trị truyền thống tốt đẹp… đã tác động không nhỏ đến thanh niên, lớp trẻ hiện nay. Chính vì vậy, bên cạnh giáo dục truyền thống văn hoá trong lớp học, chúng tôi tiến hành giáo dục từ hoạt động thực tiễn. Bộ đội có thông hiểu thì mới nảy sinh tình cảm, niềm tự hào với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và từ đó bồi đắp ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Dịp giáo dục truyền thống hào hùng
Bảo tàng Quân đoàn 4 từ lâu là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống - nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử quân sự, phục vụ bộ đội và Nhân dân trên địa bàn. Mùa xuân năm nay, Bảo tàng đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ đến tham quan khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật của Quân đoàn 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh và quân quản Sài Gòn.
Trung uý Nguyễn Văn Đức là một sĩ quan chính trị mới ra trường, được điều động về công tác tại Quân đoàn 4. Chuyến tham quan bảo tàng dịp Tết đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong đồng chí, giúp đồng chí có thêm kiến thức về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị, đặc biệt là chiến thắng Đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975) với hướng tiến công của Quân đoàn trên hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn.
|
Bộ đội cùng đoàn viên, thanh niên địa phương gói bánh chưng, bánh tét. (Ảnh: PV) |
Cán bộ trẻ Nguyễn Văn Đức cho biết: “Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với nhiều khó khăn, vất vả, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn phải có ý chí quyết tâm cao, đoàn kết, thống nhất. Tôi đã cùng với Ban Chỉ huy Đại đội chăm lo cho bộ đội một cái Tết vui tươi, đầm ấm, gắn kết tình đồng chí, đồng thời lồng ghép các trò chơi tìm hiểu kiến thức về lịch sử quân sự. Đó là cách để làm ngày xuân thêm ý nghĩa, giúp bộ đội hiểu về truyền thống hào hùng của đơn vị để cố gắng từng ngày giữ gìn và tiếp bước cha anh”.
“Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận”
Phong trào văn nghệ quần chúng, hội thi sân khấu hoá luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là dịp trước và trong Tết. Trong những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn 4 nhộn nhịp tổ chức hội thi tuyên truyền về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Các đội đã lần lượt thực hiện 3 nội dung: Thi chào hỏi, giới thiệu về đội; thi nhận thức và thi thực hành tuyên truyền.
|
Bộ đội tham quan triển lãm chuyên đề “Quả đấm thép miền Đông” do Bảo tàng Quân đoàn 4 tổ chức. (Ảnh: PV) |
Đa số các tiết mục được bộ đội và đơn vị kết nghĩa phối hợp dàn dựng có chủ đề về người lính, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Do là văn nghệ quần chúng nên vừa có tính chất “cây nhà lá vườn” vừa có tính nghệ thuật, vừa mộc mạc nhưng cũng rất ý nghĩa. Những thanh âm hào hùng, những tiểu phẩm xúc động và những lời hùng biện sâu sắc đã tái hiện lại những tháng năm thăng trầm của đất nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta, khơi gợi những cảm xúc về mùa xuân lịch sử của dân tộc. Qua đó làm sáng rõ 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được xác định trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương.
Nhân tố chính trị - tinh thần là cội nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Gắn kết giữa giáo dục truyền thống với tổ chức vui xuân đón Tết là một cách làm hay để nuôi dưỡng nhân tố chính trị - tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp xây dựng cho họ niềm tin, tình cảm và ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Khắc Huy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4 cho biết: “Các cơ quan, đơn vị còn tổ chức Hội thi Tiếng hát mùa xuân nhằm tạo thêm sân chơi bổ ích, lành mạnh trong ngày Tết. Các tiết mục đã khắc họa đậm nét về sự kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thời kỳ, bám sát cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cơ sở. Các hoạt động như thế đã trực tiếp xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh, thực sự là nơi đào luyện nhân cách người quân nhân cách mạng”.