Những trả lời khiến khán phòng ồ lên lao xao
Khi được HĐXX hỏi về nội dung thế chấp trong hợp đồng tín chấp và các phụ lục vào năm 2003 với Agribank, Thiên Phú nói “có ký hợp đồng, phụ lục nhưng do không có công chứng nên không có hiệu lực”, từ đó phủ nhận các nội dung liên quan.
HĐXX hỏi nguyên đơn đã dùng những tài sản nào để vay vốn từ 2003? “Không có tài sản gì cả”, nguyên đơn đáp. “Không có tài sản tại sao ngân hàng cho vay?”. “Việc cho vay là của Agribank. Họ có trách nhiệm thẩm định để cho vay”.
HĐXX quay sang hỏi Agribank thì được rõ, hợp đồng và các phụ lục được ký từ 2003, Thiên Phú dùng toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai của dự án Hòa Lân là quyền sử dụng đất, hạ tầng… để vay vốn. Chứng cứ để chứng minh những tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giấy tờ, thủ tục như chấp thuận dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận vị trí… mà Thiên Phú được UBND tỉnh Bình Dương cấp. Để giải ngân, Thiên Phú dùng chứng từ từng tiến độ như chi trả bồi thường, chi trả san lấp… đưa vào ngân hàng và nhận tiền vay.
HĐXX hỏi nguyên đơn: “Trường hợp tuyên vô hiệu các hợp đồng, văn bản theo yêu cầu của nguyên đơn thì giải quyết hậu quả ra sao?”. “Các bên không có thiệt hại gì cả nên không có trách nhiệm gì với nhau. Ở đây là lỗi tổng hợp giữa các bên. Nếu bên nào thấy thiệt hại thì cứ đi kiện bằng vụ án khác. Chúng tôi sẽ bồi thường”. Câu trả lời kiểu “bất cần” này của Thiên Phú khiến khán phòng ồ lên lao xao.
HĐXX hỏi Thiên Phú đã thế chấp bao nhiêu sổ đỏ cho ngân hàng để đảm bảo khoản vay? Thiên Phú ban đầu đáp 71 sổ đỏ, nhưng sau đó lại nêu “72 sổ đỏ có thu tiền sử dụng đất và 13 sổ đỏ không thu tiền sử dụng đất được ngân hàng thu giữ từ 2011 đến nay”.
Về phía Agribank, nói về số tiền hiện nay Thiên Phú đang nợ, gốc đã trả hết (là tiền thu được từ cuộc bán đấu giá dự án cho Kim Oanh). Còn lãi, tạm tính đến thời điểm hiện nay là 1717 tỷ đồng.
Tại phiên xử hôm qua, nhiều ý kiến của Thiên Phú cũng đã bị các bên đưa ra lập luận phản bác.
Agribank cho biết Thiên Phú đã diễn đạt sai khoản 2, Điều 6 Thông tư 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010 “về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng”. Thực tế, đến thời điểm có Thông tư nêu trên, hợp đồng vay vàng của Thiên Phú với Agribank vẫn đang còn hiệu lực vì Thiên Phú chưa trả đủ lãi và gốc.
Phía văn phòng công chứng nói: “Thiên Phú cho rằng khi ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì công chứng viên phải là người đã từng có mặt trong buổi đấu giá. Quy định về công chứng thời điểm đó không bắt buộc công chứng viên phải có mặt trong buổi đấu giá. Việc công chứng ở đâu là lựa chọn của các bên. Việc tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp hiện nay Thiên Phú đang kiện; dù có bị vô hiệu thì cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá; và từ đó không thể khiến hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị vô hiệu”.
Trước đó, Thiên Phú phát biểu rằng “Nam Sài Gòn hành nghề trái luật, ông Hưng vi phạm vì vừa là nhân viên ngân hàng vừa là cổ đông của Nam Sài Gòn và từ đó có sự không khách quan trong đấu giá”.
Đại diện Nam Sài Gòn cho biết có đủ chứng cứ chứng minh Nam Sài Gòn hành nghề đúng luật, ông Hưng không vi phạm quy định và không có hành vi làm ảnh hưởng đến cuộc đấu giá. Nam Sài Gòn sẽ đề nghị xem xét hành vi “vu khống” của Thiên Phú làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến hoạt động của Nam Sài Gòn và danh dự, uy tín của ông Hưng.
Giám đốc Thiên Phú đã khai gì trước phiên xử?
Vì sao Thiên Phú có những câu trả lời “lạ đời”, mâu thuẫn, có vẻ lúng túng như trên? Thực tế diễn biến cho thấy có thể vì có dấu hiệu một vụ “chuyển nhượng quyền khởi kiện” trong vụ kiện.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi có đơn khởi kiện gửi đến TAND Quận 7, GĐ Thiên Phú là ông Bùi Thế Sơn bị C03 bắt tạm giam vì nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ của Kim Oanh sau khi Kim Oanh mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân. Như vậy, cùng liên quan dự án Hòa Lân, hiện đang có một vụ án hình sự và một vụ kiện dân sự xảy ra.
Có những dấu hiệu cho thấy trước khi bị bắt, ông Sơn và một số đối tượng đã lên kịch bản quyết “đổi chủ” Thiên Phú, quyết lấy tư cách nguyên đơn, kéo dài vụ kiện.
Trong Công ty Thiên Phú, có hai người sở hữu phần vốn là ông Sơn (99%) và ông Đặng Bình Anh Trọng (1%). Cuối 2019, ông Trọng đã có đơn gửi Công an Bình Dương, tố cáo việc bị một nhóm “giang hồ” đe dọa, ép phải chuyển nhượng “miễn phí” 1% vốn này cho người khác.
Và ngay trước khi ông Sơn bị bắt chỉ vài ngày, lại có hai vụ chuyển nhượng vốn góp bất thường khác diễn ra. Ông Sơn chuyển nhượng 99% vốn Thiên Phú. Người còn lại chuyển nhượng 1% vốn.
Nhận thấy những bất thường này, Phòng Đăng ký Kinh doanh Sở KH&ĐT Bình Dương đã có văn bản khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi này. Nghĩa là thương vụ mua bán phần vốn góp chưa hoàn thành.
Ngày 18/5/2020, từ trại giam, ông Sơn có hai lá đơn gửi đến TAND Quận 7. Lá đơn thứ nhất ghi rõ: “Với tư cách Giám đốc Cty Thiên Phú tôi đại diện nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện… tại TAND quận 7, TP HCM”. Lá đơn thứ hai ghi rõ: “Tôi tự nguyện đề nghị các cơ quan chức năng cho hủy tất cả các nội dung ủy quyền”.
Trong buổi lấy lời khai với Thẩm phán Lê Thị Phơ tại trại giam vào ngày 25/6/2020, ông Sơn nêu rõ: “Nay tôi xác định vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn tại TAND quận 7 và hủy bỏ ủy quyền”.
Với những diễn biến trên và vì phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm (khi ông Trọng tố bị cưỡng đoạt vốn góp), lẽ ra TAND Quận 7 cần lập tức có văn bản đề nghị CQĐT vào cuộc; đình chỉ vụ kiện Hòa Lân, hủy bỏ quyết định “phong tỏa” dự án; tuy nhiên phiên xử vẫn diễn ra.
Xâu chuỗi những sự kiện trên, nhiều ý kiến cho rằng đã có một vụ “chuyển nhượng quyền khởi kiện”, nên đại diện nguyên đơn mới có những câu trả lời “lạ đời”, mâu thuẫn, có vẻ lúng túng như thực tế những ngày xét xử vừa qua.
Hôm nay, phiên xử tiếp tục với phần tranh luận.