Nghệ An lồng ghép phòng chống mua bán người vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Một nạn nhân trong vụ mua bán người
Một nạn nhân trong vụ mua bán người

Công văn nêu rõ, tại Nghệ An thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 6 đối tượng về tội mua bán người, giải cứu 4 nạn nhân. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung như:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công cụ thể tại Kế hoạch số 173/KH-UBND và Công văn số 5442/UBND-NC của UBND tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quan tâm triển khai các biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống để phòng ngừa bị mua bán. Bố trí nguồn lực, đầu tư ngân sách phù hợp dành riêng cho công tác phòng, chống mua bán người. Đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Đồng thời, huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với các phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về công tác phòng, chống mua bán người.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ động triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người.

Các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời răn đe, phòng ngừa tội phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Đọc thêm