Tiêu thụ mặt hàng nông sản nhiều năm qua vốn đã bấp bênh, vụ được giá, vụ mất giá, vụ “được mùa mất giá”. Dịch Covid-19 bùng phát khiến mùa thu hoạch nông sản năm nay của nông dân lại thua lỗ nặng hơn. Những ngày qua, bà con nông dân tại Nghệ An khốn đốn vì giá hàng loạt nông sản rớt thê thảm.
Bán không được, thậm chí… cho không ai lấy
Hàng trăm ha bắp cải vào kỳ thu hoạch, bán ra với giá “rẻ như cho” nhưng không ai mua, đành bị bỏ thối trên đồng. Ông Lê Hoàng (ngụ xóm 7, Dương Tiên, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu) chua xót: “Năm nay gia đình tôi trồng hơn 10 sào cải bắp nhưng không thể bán ra. Chỉ mong vớt vát tiền vốn, tôi phải đẩy đi rao bán khắp các huyện, lặn lội về chợ sỉ đầu mối TP Vinh cũng không mấy ai mua”.
Ghi nhận tại huyện Diễn Châu, hàng trăm vựa bắp cải của bà con đến kỳ thu hoạch nhưng bán không được, ăn không hết, đến gia súc không thèm ăn. Mỗi xe chất đầy 200 - 300 bắp cải nhưng chỉ bán ra với giá 100 – 150 ngàn đồng. Nông dân vẫn phải ngậm ngùi bán đi để “gỡ gạc” chút vốn liếng.
Tương tự, hành tăm đạt chuẩn VietGap ở xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) vào vụ thu hoạch chính nhưng chỉ có một vài nông dân ra ruộng tự thu hoạch cầm chừng. Mức giá hiện chỉ còn 12 – 13 ngàn đồng/kg, không đủ trả công thuê người đào. Trước đó, hành tăm vào thời điểm đắt giá có thể lên đến 80 - 100 ngàn đồng/kg.
Bà Lê Thị Hoa (xóm 9, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc) cho biết: “Chưa năm nào chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hành tăm như bây giờ. Năm nay thời tiết thuận lợi, hành được mùa nhưng rớt giá trầm trọng. Những năm qua, giá hành tăm ở mức cao, nông dân đổ xô chuyển đổi từ các cây trồng khác, nhất là lúa, ngô sang hành tăm”.
Hiện toàn xã có khoảng 1500 hộ dân trồng hành tăm trên diện tích gần 103 ha, mỗi năm trồng một vụ khoảng 7 - 8 tháng thì nông dân đã có thu nhập khá. Nay vướng cảnh bán ra giá thấp, thậm chí thương lái không thu mua, nông dân không biết xoay sở sao.
Tại xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn), quýt PQ cũng đang chịu chung số phận. Cả xã có 37 ha trồng quýt PQ đã trong kỳ thu hoạch. Tâm trạng lo lắng, bất an hiện rõ trên khuôn mặt của những nông dân trồng loại cây từng được coi là thế mạnh của vùng đất đỏ bazan, nhưng hiện chỉ bán ra với giá “bèo bọt” 2.000/kg. Hàng chục ha đã ra hoa mà quả vẫn không thu hoạch được.
Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 400 ha quýt PQ đã vào vụ thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ... Do ảnh hưởng từ đại dịch đã khiến thị trường chậm tiêu thụ, hiện mới chỉ bán được 1/3 sản lượng, còn hàng ngàn tấn quýt vẫn đang “lơ lửng” trên cây chờ "giải cứu".
|
Các đoàn viên, thanh niên chung tay giải cứu nông sản cho bà con. |
Điệp khúc “giải cứu” đến bao giờ?
Trước tình trạng trên, thời gian qua, hàng trăm tấn nông sản như hành tăm, quýt PQ, bắp cải,… đã được các đoàn viên, thanh niên gom trong đêm để kịp chở về xuôi tiêu thụ, mong vớt vát lại phần nào mùa vụ thất bát cho bà con.
Khắp phố phường tại TP Vinh những ngày này có hàng loạt điểm bán giải cứu rau củ quả từ các huyện của tỉnh Nghệ An. Trong đó, những điểm bán được biết đến nhiều nhất nằm trên đường Trần Quang Diệu, đại lộ Lê Nin, đường Phan Bội Châu,… Tại đây, nông sản được đưa lên bán với giá vô cùng rẻ: bắp cải Diễn Châu 5.000 đồng/2 bắp, quýt PQ 4.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Kim Hoàng, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên, chia sẻ: “Tính đến nay, chúng tôi đã giải cứu được hơn 20 tấn bắp cải cho bà con huyện Diễn Châu, hơn 15 tấn quýt PQ cho nông dân ở huyện Nghĩa Đàn. Dự kiến chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vài chục tấn nữa cho bà con”.
Chị Nguyễn Thị Hoài Ân - Bí thư Đoàn xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn), cho biết: "Chiến dịch "giải cứu" nông sản được đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng, với mong muốn giúp đỡ phần nào cho bà con nông dân. Dự kiến trong đợt này, chương trình sẽ bán giúp bà con khoảng 150-200 tấn quýt PQ".
Mặc dù phong trào thu mua để giải cứu nông sản cho bà con nông dân đang được người tiêu dùng và đoàn viên, thanh niên Nghệ An hưởng ứng mạnh mẽ, nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ. Bởi lẽ, thực tế giá thu mua và bán tại các điểm giải cứu quá “bèo bọt” và nông dân xem như “bán tống bán tháo”, đỡ phải đổ bỏ, chưa đem lại lợi nhuận.
Theo nhiều ý kiến, điệp khúc được mùa rớt giá và “giải cứu” đã nhiều năm nay lặp đi lặp lại cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giải quyết được “bài toán” này cần có sự tính toán vào cuộc của nhiều ngành chức năng cùng người nông dân; để nông dân không còn thấp thỏm mỗi lần bước vào mùa vụ; là điều hết sức cần thiết.