Hồ hởi với dự án xe điện thí điểm
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 703 về việc thí điểm Dự án đầu tư xe ô tô điện phục vụ khách du lịch trên địa bàn TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Chấp hành chủ trương này, ngày 7/6/2011 UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 2015 giao Cty TNHH Vận tải du lịch lữ hành và Thương mại Cửa Lò (Cty VTDLLH-TM Cửa Lò) thực hiện trong 3 năm (từ 6/6/2011 – 6/6/2014) số lượng là 110 xe.
Thực hiện Quyết định này, Cty VTDLLH-TM Cửa Lò đã tân trang 110 xe ô tô điện phục vu nhu cầu du lịch. Một xe điện hai người làm việc đã giải quyết được chỗ làm cho khoảng hơn 200 lao động. Du khách trong và ngoài tỉnh cũng hào hứng chào đón dịch vụ mới.
Nắm bắt cơ hội, bên cạnh Cty VTDLLH-TM Cửa Lò, nhiều doanh nghiệp khác cũng tự mua xe điện về kinh doanh. Đến nay, tại Cửa Lò có 5 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xe điện. Theo thống kê, đến đầu năm 2015 tổng số xe điện hoạt động trên địa bàn là 442 xe, đồng nghĩa với việc khoảng hơn 800 lao động có công ăn việc làm.
Tuy nhiên, cùng lúc cũng xuất hiện nhiều hiện tượng làm xấu đi hình ảnh, thương hiệu du lịch Cửa Lò. Theo ông Phan Công Đối – Trưởng phòng Quản lý đô thị TX.Cửa Lò, từ ngày số lượng xe tăng lên đột biến đã xảy ra tình trạng tranh giành khách, dừng đỗ không đúng nơi quy định.
Dấu đỏ và chữ ký của Chủ tịch TX.Cửa Lò và Phòng Quản lý đô thị là để “tránh làm giả logo” |
Trước thực tế này, chính quyền Cửa Lò đã ban hành nhiều văn bản tuyên truyền, vận động người dân không mua xe điện hoạt động kinh doanh vì không nằm trong dự án thí điểm. Đặc biệt, UBND TX đã ban hành Quy chế quản lý phương tiện xe điện 4 bánh hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn TX.Cửa Lò.
Theo đó, xe điện phải gắn biển kiểm soát theo đúng quy định của UBND TX.Cửa Lò; phải gắn logo của UBND TX ban hành trước kính chắn gió… Logo của UBND TX phải có dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND TX và Trưởng phòng Quản lý đô thị. Theo ông Đối, việc ký và đóng dấu vào logo là “tình thế” để tránh việc làm giả, hoạt động “chui”. Vị này cũng thừa nhận việc để xe điện tăng cao nằm ngoài dự án thí điểm là do công tác quản lý chưa tốt.
“Hiện TX đã giao cho các xã, phường thống kê lại toàn bộ số xe điện tự phát, sẽ tiến hành đối thoại với dân để thống nhất phương án thu hồi xe điện không được phép hoạt động và hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều người dân yêu cầu thu hồi xe thì phải đền bù, nhưng TX chưa có văn bản nào tuyên truyền về việc mua xe điện mà do người dân tự phát mua. Cho nên, nếu vẫn tiếp tục cho xe lưu thông thì ngoài việc bị tịch thu còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật…”, ông Đối nói.
“Lệnh cấm” này khiến các doanh nghiệp “ngoài thí điểm” lo sốt vó. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lợi Trường, ông Phạm Hưu Trường cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi được Sở KHĐT cấp phép hoạt động xe điện từ năm 2011, và đóng thuế đầy đủ trong mấy năm vừa qua. Tôi đã vay mượn đầu tư 50 xe điện, còn các anh em khác cũng góp cổ phần mua thêm 100 xe nữa để phục vụ du khách. Mỗi xe mới giá 170 triệu đồng, xe mua lại giá 100 triệu đồng/xe. Để có xe, một số người phải bán đất, “cắm” sổ đỏ để mua xe, đầu tư cả đống tiền lại cấm hoạt động thì chúng tôi thu hồi lại vốn bằng cách nào?...”.
Câu hỏi của ông Trường cũng đang là băn khoăn của rất nhiều chủ xe điện khác. Hơn 600 lao động liệu có phải nghỉ việc và nếu buộc phải nghỉ thì liệu có thể tìm được ngành nghề, công việc khác để làm?