Nghệ sĩ cần tỉnh táo trước tính hai mặt của mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mạng xã hội với không ít tính năng ưu việt vẫn đang được các nghệ sĩ sử dụng như một phương thức hữu hiệu để tương tác với khán giả nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng số lượng người hâm mộ. Tuy nhiên, không phải lúc nào nghệ sĩ cũng có cách làm khôn ngoan để giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng.
Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. (Ảnh internet)
Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. (Ảnh internet)

Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã có những cách thức đến gần hơn với công chúng thông qua việc chia sẻ không chỉ các hoạt động nghệ thuật mà còn cả các hoạt động xã hội, cuộc sống cá nhân…

Livestream hay livestreming (tính năng phát video trực tiếp) nhờ nền tính năng facebook live hiện nay đã không còn xa lạ với những người tham gia mạng xã hội. Hiếm nghệ sĩ nào nói “không” với livestream; mặc dù, mỗi người sử dụng phương thức này với tần suất và mức độ khác nhau, tùy thuộc quan điểm cá nhân. Có người tâm sự các hoạt động nghệ thuật, có người lại kể về cuộc sống hàng ngày của mình cho người hâm mộ.

Tuy nhiên, có một số nghệ sĩ đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện qua việc sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác trên mạng xã hội. Thậm chí, có hiện tượng không ít nghệ sĩ livestream để chê bai đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân… Những video livestream của một số nghệ sĩ thường thu hút đông đảo người xem, phần đông vì tò mò, hiếu kỳ song hầu như đều ngán ngẩm, phẫn nộ trước những ứng xử kém văn hóa của một số nghệ sĩ.

Tận dụng sự nổi tiếng của mình, những năm gần đây, một số nghệ sĩ xuất hiện trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Chỉ một dòng giới thiệu về sản phẩm trên trang cá nhân hoặc nhắc đến trong câu chuyện của mình có thể giúp nghệ sĩ thu về khá nhiều tiền nếu trước đó, nghệ sĩ và nhà sản xuất đã có những cam kết về việc quảng cáo.

Điều đáng nói, có không ít sản phẩm đó chưa được kiểm chứng về chất lượng của các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách được shipper giao hàng và thu hộ tiền cho người bán, thậm chí còn không có cả hóa đơn bán hàng. Việc mua bán thiếu minh bạch đó khiến khán giả, khách hàng là người thiệt thòi nhất. Điều đó cho thấy, một số nghệ sĩ đã không chỉ không giữ hình ảnh của mình, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội bởi những sản phẩm họ quảng cáo đã không đúng, nói chính xác là đã vi phạm pháp luật về Luật Quảng cáo.

Không ít nghệ sĩ thoải mái phát ngôn, hành xử lệch lạc, nhưng khi bị phản ứng chỉ biết im lặng hoặc xin lỗi qua loa, không chịu trách nhiệm, hoặc đã bị xử phạt. Có nghệ sĩ dẫu xin lỗi, thậm chí dùng đến cả nước mắt, nhưng cái họ nhận lại vẫn là sự nghi ngờ, quay lưng của khán giả. Hình ảnh của họ đã bị hoen ố, không còn đẹp đẽ trong mắt khán giả nữa. Bởi sai phạm của nghệ sĩ đã đến mức công chúng khó mà thông cảm được.

Nghệ sĩ cần tỉnh táo trước tính hai mặt của mạng xã hội.

Nghệ sĩ cần tỉnh táo trước tính hai mặt của mạng xã hội.

Nghệ sĩ hãy lan tỏa điều tích cực trên mạng xã hội

Nhằm bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa số trở thành một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Thực tế này cũng đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ, người có ảnh hưởng với công chúng cần trở thành một “đại sứ” về ứng xử văn minh bởi những phát ngôn, hành động của họ đều có thể tác động đến rất nhiều người dùng trên không gian mạng, đặc biệt là người trẻ.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nghệ sỹ là danh xưng đáng trân trọng, người nghệ sỹ phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình, tuân thủ quy định pháp luật và Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

GS. TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, không gian mạng là con dao hai lưỡi và người nghệ sỹ khi tham gia mạng xã hội nên có ý thức tự giác cao về sự tác động của mình. “Theo khảo sát được Microsoft công bố mới đây, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, chỉ sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước”, GS. TS Từ Thị Loan bày tỏ.

Hàn Trang, nữ diễn viên tham gia phim “Lối về miền hoa” cho rằng, nghệ sỹ nên dùng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực và khi nghệ sỹ phạm lỗi thì khán giả - những người phán xét công tâm nhất - sẽ “quay lưng”.

Ứng xử trên mạng xã hội luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ứng xử của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng xã hội. Không nên sử dụng từ ngữ tục tĩu, từ lạ không có trong từ điển tiếng Việt, không nên dùng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc ngôn ngữ pha tạp.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam lại đưa giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đó là mọi người hãy sống thật nhiều hơn để bớt dần cái ảo. Theo anh, ai cũng lo sống đẹp với nhau ngoài đời chắc sẽ bớt thời gian chửi bới, phán xét trên mạng xã hội, không like, không xem những cái xấu trên mạng thì ắt cái xấu ấy tự mất đất sống.

Các nghệ sĩ nên hạn chế bày tỏ trạng thái thể hiện thái quá những cảm xúc cao độ, nhất là trạng thái khó chịu, ganh ghét, giận dữ dẫn đến phát ngôn thóa mạ, vu khống, chửi bới, hăm dọa, đòi thanh toán, hành xử giang hồ... Các nghệ sĩ hãy là người có suy nghĩ tích cực, là tấm gương đẹp về cách sống, ứng xử có văn hóa, vì khán giả, vì cộng đồng hơn vì bản thân mình, xứng đáng là người của công chúng, người nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc LeBros, nói về ứng xử trên mạng cho rằng về ứng xử của nghệ sĩ, họ có thể bị hạn chế phát sóng, cấm sóng nếu có ứng xử sai lệch. “Tốt nhất là mỗi người nên có những lưới lọc mà triết gia Socrates đặt ra. Lưới lọc thứ nhất là sự thật, anh có chắc điều mình nói là sự thật không. Lưới lọc thứ hai là sự tử tế, anh có chắc điều anh nói ra với tôi sẽ tốt cho tôi không. Lưới lọc thứ ba là có hữu dụng cho ai không, hay nói ra chẳng để làm gì. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta biết cách chọn cái gì để nghe, chọn cái gì để nói”, ông Vinh nói.

“Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vừa qua là một quy định được ban hành kịp thời nhằm điều chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thời gian qua và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, Điều 8 “Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng” đã quy định cụ thể về ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đó là: Cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan; không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.