Nghệ sỹ ảnh nude tên tuổi sẽ đi về đâu?

(PLO) - Tuần qua, một thông tin gây xôn xao, có tác động không chỉ ở riêng giới nghệ sỹ, đó là từ ngày 15/5, những người mẫu, người đẹp ở Việt Nam sẽ bị cấm chụp ảnh khoả thân. Nhiều người trong và cả ngoài nghề cho rằng, quy định này quá mơ hồ khi chưa rạch ròi thế nào là phản cảm và không phản cảm. Và những nghệ sỹ mà tên tuổi gắn liền với ảnh nude sẽ đi về đâu?.
 Nhiều ý kiến cho rằng, việc chụp ảnh nude ở Việt Nam vốn đã rất khó, nay coi như cánh cửa bị… đóng chặt hẳn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chụp ảnh nude ở Việt Nam vốn đã rất khó, nay coi như cánh cửa bị… đóng chặt hẳn.

Lưu lại cái đẹp sẽ là... phạm pháp?

Theo Thông tư 01/2016 do Bộ Văn hoá - Thể thao và du lịch ban hành, bắt đầu từ ngày 15-5, những người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu tại cuộc thi sẽ không được chụp ảnh hoặc ghi lại hình ảnh cá nhân không có trang phục, sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm lưu hành trên mạng viễn thông. Điều này có nghĩa rằng, những người đẹp đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ không được chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm.

Dù đã có nhiều ý kiến trái chiều của giới người mẫu, nhiếp ảnh gia và cả các nhạc sĩ về điểm bất cập trong thông tư này nhưng nó vẫn được đưa ra làm chuẩn để các đơn vị nghệ thuật thực hiện. Nói cách khác, nếu có ai đó muốn đăng tải những bức ảnh không có trang phục hoặc hóa trang kỳ lạ thì nó phải là bức ảnh nghệ thuật. Thế nhưng, lâu nay, lằn ranh giữa ảnh nghệ thuật và phi nghệ thuật, ảnh khiêu dâm lại vô cùng mong manh. Mong manh tới độ, nhiều bức ảnh phải lập cả một hội đồng xem xét, tranh cãi cuối cùng, phe cho là nghệ thuật vẫn giữ quan điểm và phe cho là khiêu dâm cũng quyết không thay đổi ý kiến.

Khi hỏi về vấn đề này, Á hậu Vũ Hoàng My bày tỏ: “Thứ nhất tôi cảm thấy mình bị xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tôi không muốn một ngày bị gắn mác “phạm pháp” vì muốn lưu lại vẻ đẹp tuổi thanh xuân, và cũng không muốn bị tước quyền tham gia vào môn nghệ thuật nude. Thứ hai, nó ảnh hưởng và hạn chế sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật (nghệ sĩ, người mẫu, diễn viên, nhiếp ảnh, nhà làm phim…). Thứ ba, tôi không rõ luật mới với mục đích giải quyết vấn đề gì của xã hội. Việc các nghệ sĩ, người mẫu và người đẹp có danh hiệu chụp ảnh nude sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam là vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục? Hay luật sẽ ngăn chặn tệ nạn hiếp dâm hoặc đường dây mại dâm cao cấp? Cuối cùng, tôi muốn ủng hộ và bảo vệ một thứ mà tôi cho đó là nghệ thuật, nghệ thuật nude. Vậy thế nào là nude và thế nào là khiêu dâm?”.

Á hậu điện ảnh Hoàng Yến My cho rằng, cái đẹp toát ra từ cơ thể của phụ nữ luôn được xem là một kiệt tác nghệ thuật do tạo hóa ban tặng. Ảnh nghệ thuật khỏa thân có trở nên đẹp và truyền tải được ý tưởng nghệ thuật nghiêm túc hay không còn phụ thuộc vào tri thức của người tạo ra nó, đồng thời cũng đòi hỏi trình độ thưởng thức ở người thưởng lãm. 

Ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng (Dũng Art).
Ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng (Dũng Art).

“Không thể cấm cái anh không nắm được…”

Một cán bộ quản lý ngành nghệ thuật, biểu diễn cho biết hiện chưa có văn bản nào nói rõ thế nào là “phản cảm”, là phạm thuần phong mỹ tục. Vì thế, muốn xử phạt phải chờ kết quả của hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa nghe hội đồng thẩm định cho ý kiến về việc này.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng (Dũng Art), người có nhiều năm trong nghề chụp nude nghệ thuật thẳng thắn: “Thực ra, việc chụp nude ở ta trước nay vẫn là “hoạt động bí mật”, ai chụp người đó biết, người mẫu biết, chấm hết. Ảnh không được đăng tải công khai, không tới được người xem. Thế nên, thông tư này với tôi không thực sự phù hợp. Ảnh nude đang trong bóng tối thì “tối” thêm tí chả sao.

Việc chụp ảnh nude ở Việt Nam vốn đã rất khó. Giờ chụp lại phải cân nhắc tìm hiểu xem người mẫu ấy có phải mẫu chuyên nghiệp hay không, có phải top hoa hậu này kia hay không để “tránh voi”, để không mang vạ vào thân. Tóm lại, theo tôi, trước đây người ta đang dần đóng chặt cánh cửa đi vào chụp nude, giờ đóng hẳn lại cho… an toàn”.  

Theo nhiếp ảnh gia này, việc cấm chụp ảnh trên đã xâm phạm quyền tự do cá nhân của cả người được chụp và người chụp, dẫn tới “bóp chết” quyền được xem những tác phẩm ảnh nude đẹp của người xem.

“Chụp nude hay không là quyền cá nhân của mỗi người, đặc biệt với các người mẫu đã thành danh trong showbiz, họ hoạt động nghệ thuật nên nghĩ về việc này thoáng hơn, hiểu hơn. Họ đẹp, họ có quyền, tất nhiên giữ gìn hình ảnh riêng tư cũng là nhận thức và quyền của mỗi người.

Tuy nhiên, theo tôi cách quản lý thế này không có tác dụng, vì nếu điều gì đẹp sẽ được tôn vinh, nếu xấu, người tạo ra nó sẽ chịu tổn hại về danh tiếng. Đó là cái giá phải trả và công chúng chính là những vị thẩm phán cao nhất. Rất nhiều luật và thông tư đưa ra không đáp ứng thực tiễn cuộc sống vì không phù hợp, gây ách tắc cho hoạt động ở những lĩnh vực bị áp đặt.Thông tư này cũng vậy, muốn điều chỉnh quy phạm xã hội cũng sẽ không được".

"Rõ là những người làm chính sách đang ngồi chiếu trên, áp đặt điều chỉnh chính sách theo chủ quan của mình. Anh không thể cấm cái anh không nắm được, không giữ được trong tay, anh chỉ có thể cấm anh, cấm ngay những người dưới quyền quản lý trực tiếp của anh chứ không thể cấm những gì ngoài tầm với. Mà càng cấm thì sẽ càng bung ra, giống như mạch nước ngầm anh không thể chặn nó lại để nó không chảy nữa, mà chỉ có thể dẫn hướng nó đi đúng đường” - Nghệ sỹ  Dũng Art chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, họa sỹ Thành Chương cũng bày tỏ: Tôi cảm thấy quy định “buồn cười và ngớ ngẩn”. Nó theo một “lối mòn” của nhiều bộ ngành, cứ cái gì không quản được thì cấm. Trong khi, nude nghệ thuật đã được thế giới công nhận từ lâu, và thực tế, ở những nước tiên tiến, nếu không quản được thì... cấp phép để quản. 

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho rằng nói tới chụp ảnh khoả thân thì có khoả thân nghệ thuật và khoả thân phi nghệ thuật. Nếu đã là khoả thân phi nghệ thuật thì bất cứ ai cũng cấm chứ không riêng người mẫu, người đẹp. Còn khi khoả thân nghệ thuật thì tại sao lại cấm. Nói cách khác, vấn đề ở đây là nhà quản lý văn hoá chưa phân biệt được khỏa thân nghệ thuật hay là phi nghệ thuật. Quyền thích chụp ảnh là quyền cá nhân.

Dưới góc độ là người chụp ảnh khoả thân, nghệ sĩ Thái Phiên đưa ra nhận định: nếu anh chụp một cô hoa hậu, chụp cái lưng mà không chụp cái mặt thì liệu có được không, không ảnh hưởng gì tới nhân thân của cô ấy thì có được không? Điều này cần được làm rõ ràng. “Chừng nào, cơ quan quản lý chưa đưa ra được ranh giới thật rõ ràng thì dù có cấm hay không cấm, ảnh khoả thân nghệ thuật cũng vẫn như dòng sông ngầm đã chảy nhiều năm nay, kể từ khi có cái máy ảnh người ta đã chụp ảnh nude và cho tới giờ vẫn vậy thôi”. 

Khách quan nhìn nhận, đã có không ít người lạm dụng hình ảnh nude để đánh bóng tên tuổi bản thân, mong nhanh được nổi tiếng. Vì thế tình trạng khi đã “cởi” bỏ quần áo một lần sẽ có nhiều lần “cởi”, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục. Trong khi đó, quan niệm truyền thống của người phương Đông, phụ nữ cần phải đoan trang, kín đáo.

Vẻ đẹp của người phụ nữ đoan chính mới là giá trị đích thực hướng đến. Và với quy định của Thông tư 01 có mặt tích cực là, mong muốn các người đẹp, người nổi tiếng biết giữ gìn hình ảnh của mình vì hình ảnh của họ sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Nếu các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật có hành vi không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với phong tục, tập quán của người Việt thì cần có chế tài hạn chế.

Thực tế, quy định còn mập mờ ở chỗ, trường hợp cá nhân cố ý phát tán hình ảnh mang tính đồi trụy (sản xuất, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hình ảnh ấy) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, hành vi nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, trường hợp vô ý bị phát tán hình ảnh mang tính đồi trụy thì không thể xử lý. Có chăng phải xác định được người nào cố ý phát tán hình ảnh đồi trụy mới xử lý người đó được.