Chuyện kể về một đôi vai bám đầy bụi phủ
Chị - một người bán rong như bao người bán rong khác, tần tảo mưu sinh sớm tối, mặc nắng gió, kệ đời...: “Giữa cái Sài Gòn bao la này, tòa nhà ngày càng mọc lên nhiều hơn mảng xanh từng có hồi đó. Kiếm một nơi mưu sinh đàng hoàng hiện giờ lại còn khó hơn. Vì vậy mà, tôi hay bán khoai, bán bắp ngay góc đường này, dù biết bụi bặm nhiều, nhiều hơn hồi trước ghê lắm, cũng ngán xe qua lại nhưng nhờ vậy mà lo đủ cho 3 miệng người ăn. Mưu sinh mà”...
“Nói về sức khỏe thì đúng là từ lúc chuyển qua tuyến đường này ngồi bán lê lết bệnh có nhiều hơn. Nói chi xa, tôi ho cả tháng nay rồi, đi khám rồi uống thuốc hoài không hết bệnh. Để bớt bụi nó phà phà vào mặt thì tôi mua cái khẩu trang vải này, 8.000 đồng một cái. Khẩu trang tốt mà 50.000 đồng/cái còn mắc hơn 1 ký bắp khó lắm tôi mới bán được. Thôi che khẩu trang vải cũng được, giặt lại xài nhiều được. Cái khẩu trang này nó tiện, người ta ra chiến trường có khiên có giáo, tôi đi bán có rau củ có miếng khăn là chiến được hết. Miễn sao con tôi đi học được cực mấy chịu” – chị rủ rỉ.
Chị tiếp tục ngậm ngùi: “Tôi chỉ mong con tôi được học hành đàng hoàng, anh chồng bớt nhậu nhẹt lại. Nếu một ngày ổng hiểu ổng phụ tôi nhiều hơn, cùng tôi buôn bán chăm lo cho con thì khổ sao cũng chịu. Tôi sẽ cố chăm lo sức khỏe tới đâu hay tới đó, chứ có những thứ xa vời quá muốn nói cũng không có kiến thức. Ví dụ như chuyện ô nhiễm không khí này. Tôi ít học biết gì đâu mà mong cầu...”.
Ý tưởng được phát sinh từ sự “bức bối” chung của cả bọn
Khi nhắc đến “người trẻ” thời này, đa phần mọi người thường nghĩ đến những trào lưu mới lạ, như kiểu ăn chơi hay những từ ngữ hay công nghệ khác xa thời đại trước đây. Nhưng nghĩ vậy là nhầm đấy, bởi đâu đó vẫn có những người trẻ, học hành chưa đủ bận, làm thêm chưa đủ mệt, lại lo chuyện thế sự môi trường, để chung tay giải quyết vấn đề môi trường đang nhức nhối hiện nay.
“Bọn em là sinh viên năm 3 - sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM. Kể tên thì mắc công dài nên thôi mọi người cứ biết đến tụi em với cái tên BITPO là được. Nếu nói về ô nhiễm không khí thì tụi em nghĩ không chỉ có nhóm em mà hầu như các bạn sinh viên khác hiện nay đều quan tâm, quan tâm không chỉ vì ảnh hưởng ngắn hạn mà còn là những hệ quả lâu dài nó có thể mang lại nữa.
Bọn em ở ký túc xá ở ngoại ô thành phố, nhưng vẫn cảm nhận được tình hình đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Có những ngày đến 9 giờ sáng, chẳng cần chi App đo AQI, bọn em đứng trên tầng 8 nhìn xuống mà không thấy mặt đất đâu, nghĩa là mức độ sương mù quang hóa đang rất lớn.
Là những người trẻ, bọn em muốn làm được một điều gì đó để tác động tốt đến môi trường và tạo nên sức ảnh hưởng, giúp các bạn khác cũng nhận thức được điều này và cùng chung tay bảo vệ bầu không khí vốn đã từng trong lành. Thôi thì những người nhỏ chúng em làm việc nhỏ.
Đó là ý tưởng được phát sinh từ sự “bức bối” chung của cả bọn. Mỗi buổi chiều cứ tầm 5 giờ, khi chạy xe từ trường lên thành phố làm thêm thì không khó để gặp đặc sản “kẹt xe” ở những thành phố lớn như Sài Gòn.
Cũng không khó khăn gì để nhận thấy những chiếc xe không chịu tắt máy khi dừng lại hơn nghìn cây đèn xanh đỏ. Đứng giữa những dòng người vừa nóng vừa thêm bụi cộng dồn của những chiếc pô xe. Khó chịu quá nên thôi tụi em về nghiên cứu thử cách làm sao để giảm thiểu CO2 từ nguồn pô xe máy vậy.
Ý tưởng nghe qua thì hơi “điên rồ” nhưng nó lại có thể thành hiện thực. Bọn em nảy ra cách chế tạo một màng chắn giảm thiểu khí CO2 từ ống pô xe máy bằng cách nuôi tảo và diệp lục. Nhờ sự hỗ trợ và cố vấn chuyên môn từ rất nhiều bên, trong đó có các thầy cô Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc tế và Ban Tổ chức UPSHIFT, nên quyết định sẽ đi đến cùng với ý tưởng này.
Hiện tại dự án của bọn em đang ở giai đoạn nghiên cứu nguyên vật liệu và sắp tới sẽ đưa vào thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Màng lọc bằng tảo mà nhóm tụi em đang nghiên cứu khác biệt ở chỗ là nó mới, khả thi, rẻ, thân thiện môi trường và dễ dàng sử dụng. Tụi em mong là sớm có thể thành công để mọi người giống tụi em thôi không còn bức bối nữa”.
Lắng nghe “Chuyện ngày xám”
Trên đây là hai câu chuyện trong số 12 câu chuyện được bộ ảnh phóng sự “Chuyện ngày xám” do Tổ chức CHANGE thực hiện chia sẻ. 12 câu chuyện, 12 góc nhìn về hiện trạng ô nhiễm không khí của những người dân đang sinh sống tại TP HCM và Hà Nội.
Họ đại diện cho tiếng nói của những người yếu thế (khuyết tật), người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ooô nhiễm không khí (ONKK), giới nghệ sĩ, sinh viên, nhà khoa học, những người đang không ngừng nỗ lực tìm ra giải pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí, cụ thể là bụi mịn, được mệnh danh là một “sát thủ vô hình” vì khả năng tổn hại đến sức khỏe mang tính nguy cấp, thế nhưng lại dễ bị cộng đồng bỏ quên vì nó không gây ra những triệu chứng tức thời như các loại dịch bệnh, dễ thấy nhất là đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới trong những tuần gần đây.
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính cho những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Sống cùng với thực trạng chất lượng không khí ngày càng suy giảm, điều được khắc họa rõ nét nhất trong từng câu chuyện được kể có lẽ là những trăn trở lo âu về bầu không khí sạch cho chính chúng ta và cho thế hệ tương lai, như lời của rapper Đinh Tiến Đạt: “Trồng cây quanh nhà, lắp máy lọc không khí, hạn chế ra ngoài, hạn chế mở cửa sổ, đó đều là những biện pháp mà mỗi người đều có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình, tuy nhiên đó đều không phải là giải pháp tốt nhất. Tôi thấy nếu gia đình tôi đang chịu ảnh hưởng một thì những người điều kiện sống thấp hơn ngoài kia sẽ phải chịu ảnh hưởng gấp trăm lần”.
Bên cạnh những giải pháp cục bộ mà các hộ gia đình ứng dụng, có không ít những giải pháp sáng tạo được đề ra bởi các nhóm cộng đồng trẻ nhằm mang lại giải pháp lâu dài cho vấn đề ONKK, thể hiện tín hiệu lạc quan về ý thức cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, vào mỗi cuối tuần, những bạn trẻ thuộc nhóm Xanh Hà Nội vẫn đang cần mẫn trồng cây xanh tại các khu sinh hoạt cộng đồng với ước mơ phủ xanh thành phố. Trong suốt 2 năm hoạt động, Xanh Hà Nội đã trồng được hơn 1.500 cây xanh và đang ấp ủ dự định mở rộng mô hình “phủ xanh đô thị” ra các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Ninh, TP HCM.
Tại TP HCM, bắt nguồn từ sự khó chịu, bí bách bởi khí thải từ pô xe trong những lúc kẹt xe giờ cao điểm, nhóm Bitpo đã hình thành ý tưởng về sản phẩm màng chắn bằng tảo và diệp lục để giảm thiểu khí CO2 từ ống pô xe máy. Dự án này nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn nhờ tính khả thi, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường và vẫn đang từng bước hiện thực hóa với sự tham gia cố vấn của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc tế và chương trình UPSHIFT.
Mong muốn có một bộ luật riêng nhằm quản lý chất lượng không khí
Tổ chức CHANGE đã khảo sát và tổng hợp ý kiến của 20.000 người trên toàn quốc về ô nhiễm không khí, kết quả cho thấy 75% cảm thấy không hài lòng với chất lượng không khí tại khu vực mình sinh sống, 18% ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức thu phí khí thải đối với các phương tiện giao thông.
Theo đó, người dân mong muốn có một bộ luật riêng được ban hành nhằm quản lý chất lượng không khí hiệu quả hơn, cần phải có các biện pháp chính sách như thu phí khí thải đối với các ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, xi măng, nhiệt điện, hoá chất… và thắt chặt tiêu chuẩn phát thải để cải thiện tình trạng không khí.
“Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí cần phải nhận được sự chú ý xứng đáng và chúng tôi cần mọi người, mọi tiếng nói, cùng tham gia với chúng tôi”, bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc Tổ chức CHANGE cho biết.
“Ô nhiễm không khí gây ra những tác động khủng khiếp lên môi trường và sức khoẻ con người. Tôi thấy thật đáng sợ khi chứng kiến chất lượng không khí ở Hà Nội và TP. HCM ngày càng tệ trong những năm trở lại đây. Và trẻ em sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi rất phản đối cái lập luận "đây là cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế".
Ở CHANGE, tất cả chúng tôi đều chung quan điểm là không có tăng trưởng nào có thể đền bù được cho sức khoẻ của người dân mình, nhất là của con em mình và do đó chúng tôi cùng nhau xây dựng các dự án có thể góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề này”.