Mùa xuân đi cấy

(PLVN) - Xuân chùng chình buông trong khung cảnh ấm áp làng quê. Xuân giăng vẻ đẹp trong không khí rộn ràng say đắm người đi hội. Quê tôi cũng dọn lòng vào mùa. Xuân cũng là mùa đi cấy, gieo xuống cánh đồng làng hy vọng để chỉ nay mai thôi, cây lúa nên xanh, mùa màng tốt tươi.
Mùa xuân đi cấy

Những năm gần đây, dù nhiều làng xã đã đô thị hóa với sắc diện khác, nhưng đồng điền vẫn còn. Đồng điền vẫn trải xanh và vẫn làm nên sự tươi mới cho thôn quê bằng những mùa xuân đi cấy. Dẫu biết nhiều nơi đã đổi thay cách sản xuất, nhiều vùng bớt cảnh gieo mạ, rồi nhổ mạ cấy thông thường mà trên những ô thửa lớn, bà con nông dân gieo sạ trực tiếp lên những ô thửa đã làm nhuyễn đất cho đỡ tốn công.

Quê tôi vừa gieo sạ vừa cấy mạ. Chục năm trở về trước hoàn toàn là cấy tay. Đám trẻ con, đàn ông bao giờ cũng được phân công nhổ mạ để các bà, các mẹ, các chị khéo tay thoăn thoắt chia giẻ cấy lúa xuống mặt đất bùn làm nhuyễn, xâm xấp nước. Mạ phải được gieo trước đó, từ giữa tháng mười hai âm lịch, ra giêng cây mạ cao chừng gang tay trẻ em là cấy được.

Quê tôi đến giờ vẫn giữ lịch cấy mùa xuân. Mồng 6 Tết bao giờ tiếng kẻng cũng được ông trưởng thôn đánh lên, giòn giã, thúc giục. Ai nấy đều như cảm thấy có hạt giống đang nở trong tâm hồn mình. Dù đôi khi không định hình được đó cục thể là gì, nhưng rất vui sướng.

Kế hoạch gieo cấy cũng được viết lên bảng tin của các xóm để mọi người nhớ. Đúng 9 giờ sáng mồng 6 tháng giêng, cả làng rộn lên trong không khí hối hả xuống đồng. Mỗi hộ phải chuẩn bị ô thửa của gia đình cẩn thận để buổi xuống đồng đầu tiên được thuận lợi. Đó là cách người dân tham gia vào lễ hội làng, cầu mong cây lúa nên xanh, mùa màng tươi tốt.

Từ hôm sau, người dân vừa đi hội, vừa hát chèo và tiếp tục trải ra những ô ruộng khác. Trong cả tháng đầu xuân ấm, những ô thửa sẽ được cấy hết. Màu xanh lan ra đồng. Những ngày cấy xuân xưa quê tôi trai gái còn đông đúc lắm. Ai cũng mê và hát được chèo. Trai gái hát chèo để tỏ tình, để làm mê đắm thêm sắc xuân và cuộc sống ruộng đồng thâm sinh động. Cho mùa màng vơi bớt mệt nhọc. Cho cây lúa bén tiếng hát yêu đời mà trổ rễ vào đất đai.

Ven sông giờ đây vẫn còn nhiều làng chèo hát xuân. Nhưng chèo hát trong mùa cấy xuân thì hiếm. Chỉ thấy các bà các mẹ thích xướng lên những bài vè, câu Kiều trong sớm mai, khi thấy cánh én vụt qua bầu trời, hay khi thấy đàn cò trắng bay rập rờn trên nền trời.

Làng tôi chăm chỉ. Đến giờ cả con trai con gái đều biết cấy. Ai nấy đều muốn mình có thể cấy được vào đồng điền tổ tiên, quê nhà nỗi lòng và niềm cầu ước của mình. Ai cũng muốn gieo vào trong đất tình yêu để sau này gặt hái. Từ tám tuổi tôi đã theo mẹ nên vào tuổi thanh niên tôi cấy khá nhanh, chẳng kém chị gái. Hàng rộng hàng ngang đều tăm tắp. Công việc cấy khom lưng, chường tấm lưng ra với trời, với gió xuân, tiết xuân.

Nhìn xa xa, người khom lưng cấy giống như hạt mầm đang chồi lên, từ từ nhú chiếc lá mầm non đều tiên ra khỏi mặt đất. Mẹ bảo, đó là hình ảnh tuyệt đẹp của bức tranh quê. Qua những mùa cấy, đâu chỉ xuân, mẹ dạy chị em chúng tôi về cách sống nhẫn nại, cần cù. Mẹ đã cấy được vào lòng chị em chúng tôi tinh thần đoàn kết, yêu quê, yêu đồng, yêu nhánh lúa nhành hoa, yêu con cá bơi dưới kênh mương, yêu con cò trên lũy tre xanh đầu làng. Khi yêu những điều bình dị, con người cũng yêu sức lao động, yêu thành quả dù nhỏ bé.

Từ đó, người biết yêu người, yêu đồng chí đồng bào, yêu con chữ nảy mầm trên đồng thấp đồng cao, trên những tầng mây có khói bếp bay lên. Cuộc sống đã đổi thay, nhưng những làng quê vẫn còn có những con người giữ được nhịp sống khoan hòa. Mùa xuân không cấy lúa thì trồng cây, nhân thêm mầu xanh, làm đầy thêm sự sống. Mỗi người một cách. Cây sẽ ra hoa và kết trái. Lúa sẽ trĩu hạt. Lòng người dâng lên với mùa xuân, đang khởi đi những ý niệm tốt đẹp về mùa gieo trồng và gửi niềm tin vào đất đai.

Đọc thêm