Ba thập niên hiện hữu ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ngày càng khởi sắc với những cái tên ở tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, dường như “Bụt chùa nhà không thiêng” khi ngay ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại vẫn chưa được nhìn nhận đúng, đầy đủ.
Ba thập niên dò dẫm, tìm đường
Năm 1986, đất nước đổi mới. Bên cạnh việc tiếp tục tinh thần của chủ nghĩa hiện đại bị đứt đoạn do chiến tranh trước đó, từ 1990 trở đi, một nhóm nhỏ nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu tiếp cận nghệ thuật đương đại (video art, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…). Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của một số cá nhân; đáng kể nhất là Veronika Radulovic - nghệ sĩ, giảng viên, giám tuyển người Đức. Bà có một vai trò lớn trong việc giới thiệu nghệ thuật đương đại đến Việt Nam những năm 1990, khi bà là giảng viên của DAAD (Dịch vụ Trao đổi đại học Đức) và của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ đương đại đầu tiên của Việt Nam vào thời điểm đó.
Nghệ sĩ Thế Sơn - khi đó còn là sinh viên - kể, bà Veronika Radulovic đã mang đến Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam khoảng 200 cuốn sách nghệ thuật cho sinh viên, giảng viên xem. Ông Sơn nhớ lại: “Chúng tôi như được mở mắt. Hóa ra, trên thế giới, nghệ thuật đa dạng và hay ho quá. Những thực hành mới của nghệ thuật đương đại như pop art, nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật sắp đặt… khiến thế hệ sinh viên chúng tôi khi đó rất háo hức”.
“Nghệ thuật đương đại chấp nhận mọi chất liệu, và chất liệu ngày càng phong phú cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Giờ đây, có cả internet art. Nói ra để thấy, nghệ thuật đương đại đã phát triển như thế nào. So với nghệ thuật hiện đại vẫn đang đau đáu câu chuyện chất liệu, cách làm mới, tạo hình… thì nghệ thuật đương đại xóa nhòa ranh giới hay tính chất chuyên biệt chỉ có vài vật liệu/chất liệu được gọi là nghệ thuật. Có khi, nó kết hợp nhiều hình thức khác nhau, để ra một tác phẩm chứa đựng, biểu đạt sáng tạo cá nhân, phản tư, suy tư của nghệ sĩ”, nghệ sĩ Thế Sơn nói.
Từ những ngày đầu chập chững đó, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ngày càng phát triển; nhưng nhờ những không gian tư nhân là chủ yếu. Ở TP.HCM có Sàn Art, The Factory… Ở Hà Nội thì có các trung tâm văn hóa nước ngoài như Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, hoặc các không gian nghệ thuật độc lập như Manzi…
Trong hơn 20 năm qua, tuy không phải là lớn, nhưng thực hành nghệ thuật đương đại đã góp phần đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam được ghi nhận ở không gian tầm thế giới. Chẳng hạn, chúng ta có Phan Thảo Nguyên (sinh năm 1987) - nghệ sĩ đa phương tiện thực hành với video, hội họa và sắp đặt đạt nhiều giải thưởng quốc tế, cũng như có tác phẩm được trưng bày ở những không gian nghệ thuật đương đại hàng đầu thế giới. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều cái tên khác đang gia nhập vào nghệ thuật đương đại khu vực và thế giới, như Danh Võ, Bùi Công Khánh, Lê Quang Đỉnh, Tiffany Chung, Nguyễn Trinh Thi, Ly Hoàng Ly…
Độ nhận diện trong nước vẫn còn kém
Tuy nhiên, có một nghịch lý: các tác phẩm nghệ thuật đương đại tốt nhất của nước ta đã đến với các không gian đương đại trong khu vực và quốc tế trong khi ở trong nước, nghệ thuật đương đại vẫn là một điều lạ lẫm hoặc chưa được biết đến một cách đầy đủ. Nghệ sĩ Thế Sơn nhận xét: “Khoảng hơn 20 năm nay, nghệ thuật Việt Nam được nhận diện trên tầm thế giới chính là nhờ nghệ thuật đương đại; nhưng ở trong nước, độ nhận diện rất kém”.
|
Một tác phẩm đương đại của nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên |
Ở Việt Nam, không phải quá nhiều nhưng đã có gần chục bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân khá lớn, hoàn toàn có thể lập được một bảo tàng đương đại. Chẳng hạn: Post vĩ đại của một ông chủ người nước ngoài, hay bộ sưu tập của Nguyễn Art Foundation… Tuy nhiên, cơ chế bảo tàng tư nhân ở Việt Nam cũng đang có những mặt khó. Không nhiều nghệ sĩ đương đại sống được bằng việc bán tác phẩm của mình ở thị trường trong nước.
Nhìn sang Indonesia, Thái Lan, Singapore… nghệ thuật đương đại có đất sống phần lớn nhờ dựa vào thị trường nội địa. Người ta mua tác phẩm của nghệ sĩ trong nước nhiều, qua đó, giá tác phẩm, tính hấp dẫn của thị trường nghệ thuật tăng dần.
Câu chuyện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức khai trương không gian mỹ thuật đương đại sở dĩ đáng chú ý, vì từ năm 1986 tới nay, hai chữ “đương đại” mới bước chân một cách chính thức vào một đơn vị công (dù trước đó, nó đã được giới thiệu ở phạm vi phòng trưng bày từ năm 2010). Điều đó cho thấy nỗ lực cũng như tham vọng của một bảo tàng mỹ thuật quốc gia trong việc tiệm cận, ghi nhận sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.