"Nghe tòa tuyên hủy án sơ thẩm, tôi như người chết sống lại"!

Bà Trần Thị Tuyết Mai, trú tại thôn Đăk Son, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã thốt lên như vậy sau khi Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm, đình chỉ vụ án vì nguyên đơn không đủ điều kiện để khởi kiện bà Mai ra tòa ..."Nếu tòa hủy hợp đồng và buộc phải bồi thường gần 400 triệu đồng thì chắc gia đình tôi phải bỏ xứ ra đi", bà Mai nói.

Chưa hết hạn kí kết hợp đồng cho thuê nhưng bên cho thuê muốn tăng giá từ 3 chỉ vàng/ha/năm lên 7 chỉ/ha/năm, nên bên thuê không đồng ý. Khi ra tòa, HĐXX sơ thẩm cấp huyện lại tuyên “thuận buồm xuôi gió” theo bên cho thuê. Đến khi TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử cấp phúc thẩm, thì công lí mới được minh bạch.  

Ngày 20/8/2010, TAND huyện Bù Gia Mập đã mở phiên tòa dân sự cấp sơ thẩm để xét xử vụ “tranh chấp hợp đồng thuê khoáng tài sản” giữa bà Trần Thị Tuyết Mai, trú tại thôn Đăk Son, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập- tỉnh Bình Phước (bên thuê đất) và văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang ủy quyền cho Nông trường 26/6 (bên cho thuê) thuộc đơn vị kinh tế của Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang. Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Trọng Đại.

Nội dung mà nông trường 26/6 khởi kiện bà Mai: “Trong quá trình nhận khoán, bà Mai đã khai thác cao su sai kỹ thuật và hao dăm ảnh hưởng đến sản lượng mủ. Bà Mai đã không thực hiện thỏa thuận điều chỉnh tăng giá thuê khoán. Vì vậy, lãnh đạo nông trường 26/6 đề nghị TAND huyện Bù Gia Mập tuyên hủy bỏ hết hợp đồng mà nông trường đã kí kết với bà Mai. Và bà Mai phải bồi thường 10,354 lượng vàng… 

Chị Mai trình bày sự việc.
Chị Mai trình bày sự việc.
Bà Mai không đồng ý nông trường đưa ra những lý do không chính đáng để chấm dứt hợp đồng thuê khoán. 

Bảo vệ quyền lợi cho bà Mai, luật sư Nguyễn Văn Khoát nhấn mạnh: “Bà Mai không hề vi phạm hợp đồng. Số vàng đã ký kết mà thân chủ đều trả cho nông trường đúng định kỳ. Còn việc lãnh đạo nông trường quy kết thân chủ vi phạm hợp đồng là những điều bịa đặt, vì họ chỉ muốn tăng số lượng vàng cho thuê”. 

Theo HĐXX nhận định, các hợp đồng và các phụ lục hợp đồng giữa bà Mai và lãnh đạo nông trường 26/6 “đã xác lập giao dịch dân sự giả tạo là hợp đồng thuê khoán đất để trồng cây lâu năm, nhằm che đậy mục đích sử dụng. Nhưng trên thực tế là thuê khoán vườn cây cao su để khai thác mủ cao su”. Chính vì vậy,  HĐXX xét lỗi vi phạm là do bà Mai, nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Văn phòng tỉnh ủy Tiền Giang.

Qua xét xử, HĐXX sơ thẩm quyết định tuyên hủy các hợp đồng giao khoán đất giữa bà Mai và nông trường 26/6. Đồng thời bà Mai phải trả lại các vườn cây cao su cho nông trường. Ngoài ra, bà Mai phải có nghĩa vụ trả cho Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang số vàng thuê khoán của các năm 2009-2010 với thiệt hại gần 400 triệu đồng. 

Nghe tòa tuyên xong, bà Mai khụy xuống và nói: “Tôi không vi phạm hợp đồng. Chỉ vì lãnh đạo nông trường 26/6 muốn tăng giá vàng cho thuê lên 7 chỉ/năm mà khởi kiện tôi ra tòa. Từ ngày thuê đến nay, gia đình tôi đổ nhiều tiền bạc đầu tư vào vườn cây để mong tới ngày thu hoạch. Giờ tòa tuyên án như vậy thì gia đình tôi xem như là mất trắng “cả chì lẫn chai”. Ngày ký hợp đồng, giá vàng thị trường mới có 477 ngàn đồng/chỉ. Đến nay giá tăng gấp 5 lần. Hồi đó khi nhận vườn chỉ là cây non, giờ chuẩn bị thu hoạch thì họ lại tăng giá lên thành 7 chỉ vàng/ha. Qua xét xử, Tòa buộc tôi phải bồi thường gần 400 triệu đồng với những sai phạm mà bên nông trường tự đưa ra, chứ trong hợp đồng không hề qui định. Tòa xử như vậy thử hỏi cán cân công lí nằm ở đâu?”.

Ngày 27/9/2011, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục mở phiên tòa dân sự phúc thẩm sự việc. Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Viết Hùng. Còn luật sư bào chữa cho bà Mai là ông Hoàng Minh Quang, Trưởng văn phòng luật sư Quang Minh thuộc Đoàn luật sư Bình Phước.

Trong phần tranh luận, Luật sư Quang phân tích: “Thứ nhất, theo hợp đồng thì sau 5 năm, hai bên sẽ cùng bàn bạc điều chỉnh lại đơn giá hợp đồng. Nhưng chưa được 4 năm từ khi ký phụ kiện hợp đồng, thì lãnh đạo nông trường đã vội vàng nâng giá là vi phạm hợp đồng. 

Thứ hai là hợp đồng giao khoán vườn cây, người nhận khoán có quyền thay đổi giống cây, loại cây để làm tăng năng suất miễn sao nộp đủ vàng cho nông trường là được. Nay nông trường vin vào thứ không hề có trong hợp đồng là “vi phạm kỹ thuật khai thác mủ” để chấm dứt hợp đồng là vi phạm hợp đồng đã ký. Việc này không nằm ngoài ý đồ nâng giá vàng cho thuê của nông trường. 

Thứ ba, khi nông trường ban hành bản quy trình kỹ thuật khai thác mủ cao su được lập ngày 1/10/2008, rồi 10 ngày sau vin vào đó để ép bà Mai phải ký lại hợp đồng khác với 7 chỉ vàng/ ha/ năm là vi phạm pháp luật. Vì vậy, bà Mai không hề vi phạm hợp đồng. Đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm, đình chỉ vụ án vì nguyên đơn không đủ điều kiện để khởi kiện bà Mai ra tòa”.

Sau khi xem xét lại tính chất của vụ việc, HĐXX đã chấp nhận tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bù Gia Mập, đồng thời quyết định đình chỉ vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện của phía nguyên đơn.

Trao đổi với chúng tôi, Bà Mai nói: “Nghe tòa tuyên hủy án sơ thẩm thì tôi như người chết sống lại. Nếu tòa hủy hợp đồng và buộc phải bồi thường gần 400 triệu đồng thì chắc gia đình tôi phải bỏ xứ ra đi”.

Thọ Lang

Đọc thêm