Nghi án PNC “bán chui” cổ phần trong Megastar

(PLO) - Ông Đặng Ngọc Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Công nghiệp in bao bì Liksin, đơn vị đang nắm giữ phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết đã yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm làm giải trình để báo cáo lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh theo yêu cầu.
Bà Lương Thị Thúy Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Liksin phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông PNC
Bà Lương Thị Thúy Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Liksin phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông PNC
Nói một đằng, làm một nẻo
Đây là lần thứ 2 UBND TP.HCM yêu cầu Liksin báo cáo về những câu chuyện liên quan đến Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC).
Theo ông Hùng, quan điểm nhất quán của Liksin là không dung túng những việc làm sai trái, ai sai thì người đó tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Hùng cũng cho biết, Liksin đã nhận được báo cáo của PNC, “nhưng trước thông tin báo cáo đó không trung thực thì việc này phải để cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ”. 
Người đứng đầu Tổng Công ty tỏ quan điểm như vậy, tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015 của PNC diễn ra hôm 16/7, bà Lương Thị Thúy Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy Liksin, đại diện cổ đông nhà nước lại dõng dạc ủng hộ kế hoạch kinh doanh của HĐQT PNC, mặc kệ việc cổ đông khác bác bỏ. 
Như Pháp luật Việt Nam đã đề cập tại các số báo trước, nhóm cổ đông đại diện 60% vốn điều lệ PNC đã cất công điều tra và đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh trước ĐHĐCĐ việc có một “nghi án” bán rẻ tài sản doanh nghiệp của HĐQT. Thế nhưng, thay vì yêu cầu làm rõ trắng - đen thì không hiểu vì lý do gì đại diện phần vốn nhà nước vẫn cho rằng “điều này không gây thất thoát tài sản, trái lại đã giúp PNC có thu nhập” (?). 
Nắm 15,38% vốn điều lệ, lá phiếu của người đại diện phần vốn của Nhà nước tại PNC là rất quan trọng, không chỉ đối với riêng doanh nghiệp này mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của Tổng Công ty Liksin và lợi ích Nhà nước nói chung. 
Thế nhưng, lá phiếu này vẫn dễ dãi biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 cùng các báo cáo, tờ trình của HĐQT PNC khi  nhiều khuất tất chưa được làm rõ. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, hoặc vai trò của cổ đông nhà nước trong PNC quá mờ nhạt và thiếu trách nhiệm trước sự ủy thác, hoặc có sự tiếp tay, cố tình làm ngơ? 
Sự thật dần “lộ sáng”
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông đã đưa ra chứng cứ chứng minh việc PNC chuyển nhượng 10% quyền góp vốn trong liên doanh Megastar vào năm 2008 khi chưa được phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là việc làm trái quy định của pháp luật. Giải thích về việc này, theo HĐQT, mặc dù cho đến nay chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng đã thu về được 400.000 USD để hạch toán vào thu nhập của PNC, là “có lợi cho cổ đông và công ty”! 
Tuy nhiên, HĐQT đã giấu nhẹm chi tiết quan trọng: hợp đồng chuyển nhượng này kèm theo cam kết trong vòng 3 năm nếu không hoàn tất được thủ tục “sang tên” tỷ lệ góp vốn 10% này thì phải trả lại tiền cho đối tác góp vốn thay trong liên doanh Megastar là Envoy số tiền 400.000 USD cộng với tiền lãi 4%/năm. Từ năm 2008 đến nay, PNC không làm được thủ tục chuyển nhượng “sang tên” vì trái quy định, như vậy số nợ 400.000 USD và tiền lãi vẫn còn “treo”.
Cổ đông cũng chỉ ra khuất tất trong phi vụ vay 7 triệu USD từ Cross Junction Invesment Pte. Ltd (CJI) thế chấp toàn bộ vốn góp 20% trong liên doanh Megastar mà trước đó HĐQT PNC giữ kín. Điều khoản ràng buộc cho phi vụ này là việc PNC ủy quyền toàn bộ quyền trong liên doanh Megastar cho “chủ nợ” CJI, mà CJI không ai khác lại chính là  do Tập đoàn CJ CGV, bên đối tác nước ngoài góp vốn với tỷ lệ 80% trong liên doanh Megastar lập ra. 
Thậm chí theo điều lệ công ty liên doanh, PNC được cử 02 người vào HĐQT, 1 người làm Phó Tổng Giám đốc, nhưng trả lời tại Đại hội, bà Phan Thị Lệ thừa nhận hiện nay chỉ có một mình bà trong HĐQT (và cũng đã ủy quyền toàn bộ cho phía nước ngoài), còn “ghế” Phó Tổng Giám đốc, mấy năm trước do ông Trần Khải Hoàng nắm giữ, sau khi ông này chết thì “không có người đủ trình độ nên không cử ai thay thế”? 
Như vậy, coi như PNC không còn “chân” nào trong Ban lãnh đạo Megastar và biến liên doanh này thành công ty 100% vốn nước ngoài, bất chấp quy định của pháp luật.
Phải chăng họ đã “bán đứng” phần vốn góp trong liên doanh cho đối tác nước ngoài, trong đó có phần vốn của nhà nước? Chưa nói đến chuyện có tiêu cực hay không, nhưng rõ ràng lãnh đạo Liksin đã có những lời nói và việc làm trái ngược nhau. 
Khi cổ đông lên tiếng về sự việc này, là đơn vị đang được giao đang quản lý phần vốn của Nhà nước, Liksin phải xem xét việc bán phần vốn như vậy là có trái pháp luật hay không? Nếu trái pháp luật thì vì sao Liksin lại biểu quyết thông qua tại ĐHĐCĐ? Nhà nước chưa cho bán 10% quyền góp vốn nhưng vì sao Liksin lại ủng hộ cho bán? 
Thời điểm bán quyền góp vốn, bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là đại diện phần vốn nhà nước của Liksin tại PNC. Hành vi này phải chăng có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế? Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ việc này.

Đọc thêm