Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ có nội dung gì?

(PLVN) - Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện tình trạng lạm dụng xuất xứ “Made in Việt Nam” để hưởng lợi miễn phí hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Chính vì vậy, để tránh những ảnh hưởng xấu đến thương hiệu hàng hoá Việt Nam cũng như tác động không tốt đến xuất khẩu (XK), Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời báo chí, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa có quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 1.

Cụ thể, nhãn hàng hóa phải thể hiện một số nội dung bắt buộc, bao gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy  theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Riêng về xuất xứ hàng hóa, Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Đặc biệt, quy định về ghi nhãn hàng hóa đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng và các doanh nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng đã làm phát sinh một số bất cập.

Thực tiễn cho thấy, hiện nhiều DN gặp lúng túng và khó khăn trong xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước phục vụ mục đích ghi nhãn hàng hoá theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP hoặc khi có yêu cầu kiểm tra, chứng minh xuất xứ hàng hóa của các cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, việc thiếu vắng quy định về bộ tiêu chí để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá cũng gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc cũng như việc tuân thủ quy định của các thương nhân.

Chính vì vậy, dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” dự kiến quy định các tiêu chí giúp DN cũng như các cơ quan chức năng có thể làm căn cứ xác định và phương thức thể hiện một hàng hoá là “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” khi lưu thông trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định phương thức thể hiện nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp cá nhân, tổ chức không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam.

Theo ông Hải, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa; trong đó, có việc làm thế nào để một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng XNK, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào NK, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2020.

Chia sẻ thêm về cách thức tổ chức thực hiện, triển khai Nghị định này, ông Hải khẳng định về nguyên tắc, Nghị định sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về xuất xứ.

Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ không tạo thêm thủ tục hành chính mới cho DN. Nguyên tắc quản lý việc xác định và thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan... theo nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức muốn thể hiện hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc là “Sản phẩm của Việt Nam” trên hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc các chứng từ liên quan khác thì hàng hóa đó bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu.

Đáng lưu ý, với những trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa và các chứng từ liên quan khác.

Riêng về tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ KH&CN để thực hiện Nghị định. 

Đọc thêm