Đôi mắt của cháu, đôi tay của chồng
Căn phòng trọ chật chội vỏn vẹn khoảng 18m2 là chỗ trú ngụ của gia đình bà Hội suốt nhiều năm qua. Gia tài quý nhất là chiếc máy may cũ do một người họ hàng tốt bụng nhượng lại để bà làm phương tiện kiếm cơm cho cả nhà.
Hằng ngày, bà Hội phải lặn lội đến các cơ sở may mặc xin và mua vải vụn về phân loại ra lấy những mảnh còn dùng được rồi may quần áo bán kiếm tiền. Công việc này chủ yếu là lấy công làm lãi bởi sản phẩm làm ra được bán với giá rất mềm, khách hành chủ yếu là những người lao động nghèo.
Thu nhập không nhiều trong khi khó khăn bệnh tật vây kín gia đình họ. Chồng bà Hội bị bệnh phổi hơn 20 năm nay, mất hẳn sức lao động nên không thể làm được việc gì. Kiếm cái ăn còn khó nên ông ít khi đến cơ sở y tế điều trị mà chỉ biết cầm cự bằng những thang thuốc Nam sống qua ngày.
Điều bà Hội mong mỏi nhất hiện nay là cả nhà có được bảo hiểm y tế để phần nào giảm bớt khó khăn, túng quẫn mỗi khi các thành viên đổ bệnh.
Đứa cháu ngoại của bà Hội là em Đoàn Anh Thuận bị mù loà từ khi 6 tháng tuổi. Lúc mới sinh, Thuận chỉ cân nặng 1,1kg. Bố mẹ em thấy thế liền bỏ con lại trong bệnh viện. Không đành lòng bỏ đứa cháu bất hạnh, bà Hội gánh vác luôn vai trò làm bố mẹ, nhận Thuận về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Thời gian sau đó, người cha bỏ nhà theo vợ bé nên mẹ Thuận phải một mình bươn chải nuôi mấy đứa con nên ít quan tâm đến đứa con trai tàn tật. Cậu bé lớn dần trong bóng tối với tình thương của ngoại.
Bà Hội đang may quần áo để lo kế mưu sinh cho cả nhà |
Gia cảnh khó khăn nhưng bà Hội vẫn gắng lo cho Thuận được đến trường với ước mong cháu mình có bạn bè, học được kiến thức để hòa nhập xã hội, mai ngày có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân sau.
Hằng ngày, đưa cháu đến lớp xong, bà Hội chọn cho mình một góc nhỏ ở lề đường để bày quần áo ra bán kiếm tiền lo chuyện cơm áo. Việc buôn bán khá bấp bênh, hôm nào đắt hàng kiếm được hơn 100 ngàn đồng, còn hôm ế thì coi như công cốc.
Bởi thế, ngoài việc bán quần áo, bà Hội phải đi rửa bát, giặt quần áo thuê cho những gia đình quanh khu trọ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho Thuận ăn học.
Nhiều lúc, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn khiến con đường đến trường của Thuận tưởng chừng phải đứt ngang nhưng bà Hội vẫn nỗ lực, miệt mài làm đủ mọi việc để vượt qua khó khăn giúp cháu yên lòng đến với con chữ.
Suốt 11 năm Thuận đi học là chừng ấy thời gian bà Hội phải đối mặt với bao nhọc nhằn mưu sinh trong cuộc sống, rồi đến những lời bàn tán đàm tiếu từ dư luận: “Nhiều người bảo: Cháu nó mù lòa thì học được gì mà cho đi học, học xong biết có ai buồn mướn nó làm việc không, lo kiếm cái ăn hằng ngày cho nó là đủ rồi”.
Dẫu vậy, bà Hội vẫn quyết tâm lo cho cháu ăn học với một niềm tin, tương lai Thuận sẽ học hành thành tài như người sáng mắt, có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, rồi làm chỗ dựa cho ông bà ngoại ngày sau.
Bà Hội tâm sự: “Giờ mình còn sức khỏe phải gắng lo cho cháu ăn học để nó có kiến thức, hiểu biết mà hòa nhập cuộc sống. Chứ sau này mình mất đi rồi, nó sẽ bơ vơ, không biết sống ra sao? Giờ thấy cháu nó siêng năng học chữ, học nghề, vợ chồng tôi rất vui”.
Mơ ước giản đơn
Sống trong cảnh tối tăm, Thuận không thể nhìn thấy được hình ảnh bà ngoại sớm hôm ngược xuôi tần tảo thế nào nhưng em luôn hiểu được bà đã phải rất vất vả để lo chén cơm, manh áo cho cả nhà và để em hàng ngày được đến lớp.
Ý thức được hoàn cảnh của gia đình, không phụ lòng hy sinh cao cả của ngoại, suốt 11 năm qua, Thuận luôn đạt thành tích học khá giỏi, thường xuyên nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi đã phần nào san sẻ bớt gánh nặng đang quằn trên đôi vai bà. Tại trường, Thuận rất được thầy cô, bạn bè yêu mến bởi sự nỗ lực vươn lên không ngừng để bước qua số phận.
Biết hành trình hòa nhập cuộc sống của người khiếm thị không hề dễ dàng nên Thuận luôn phấn đấu học hỏi để đủ sức thích nghi. Ngoài việc thuần thục các kỹ năng đơn giản để tự phục vụ bản thân hằng ngày như: nấu ăn, giặt giũ quần áo, em còn học thêm nhiều nghề từ đánh đàn Organ, làm bánh, làm nhang tới học mát xa để làm hành trang vững bước vào đời sau này.
Ngoài những giờ học, Thuận lại kiếm việc làm thêm ở trường như giặt giũ và ủi quần áo cho bạn học để có thêm ít tiền phụ giúp ngoại trang trải cuộc sống.
Em Thuận vừa đi làm việc thiện nguyện về |
Khi được hỏi về ước mơ tương lai, Thuận chia sẻ: “Mong ước của em sau ngày ra trường là có một việc làm ổn định để có điều kiện chăm lo nuôi dưỡng ông bà ngoại lúc xế chiều bởi bà ngoại đã quá vất vả vì em rồi. Em cũng mong cuộc sống gia đình mình sau này ổn định để em được đóng góp một phần công sức tham gia vào các việc làm từ thiện xã hội, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ”.
Với tâm niệm ấy, ở trường, ngoài việc học, Thuận luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội với hy vọng chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn khuyết tật đồng cảnh ngộ, giúp mọi người bỏ qua những mặc cảm bản thân, tự tin vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Thuận còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đạo Phật, thuộc rất nhiều kinh và triết lý rồi áp dụng vào cuộc sống của mình.
Những ngày cuối tuần về nhà, Thuận thường tham gia cùng các mạnh thường quân đi làm việc thiện nguyện như giúp đỡ, trợ táng cho những đám tang nghèo. Trong khi mọi người lo đi vận động xin quan tài thì em ấy đảm nhiệm nhiệm vụ trò tụng kinh cầu siêu đưa tiễn vong linh về nơi cửu tuyền.
Lo xong việc, Thuận âm thầm ra về, rất ít khi nhận tiền bồi dưỡng từ gia chủ. Em quan niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Họ đã quá nghèo túng thì nỡ lòng nào mà mình nhận tiền của họ nữa. Nói họ cứ để dành lo hương khói cho người quá cố. Đã giúp được mọi người là em cảm thấy vui vì thấy bản thân mình vẫn còn có ích cho xã hội”.
Bạn đọc có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ gia đình em Thuận xin liên hệ: Địa chỉ phòng trọ của Thuận: tổ 33, khu phố 5, đường Bờ Đê, phường Tân Hưng, quận 7, TP.Hồ Chí Minh. Số điện thoại bà Hội: 01217283917