Thí điểm và triển khai cơ chế đặt hàng
Hiện nay, cả nước có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, khoảng trên 120.000 học viên sau đại học (ĐH), cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế, giải pháp khoa học công nghệ. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục ĐH, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục ĐH theo gói cam kết đầu ra với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau ĐH và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành…
Ngoài việc đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào các cơ sở giáo dục và ĐH công lập thì các cơ chế, chính sách chung như hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, hỗ trợ học bổng, học phí cho người học không có sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyến khích và trực tiếp kết nối, điều phối sự hợp tác, liên kết giữa các trường ĐH trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng, cùng hướng dẫn nghiên cứu sinh triển khai các đề tài nghiên cứu chung. Đó là hình thức tốt nhất gắn kết các trường đại học nói chung và giữa các trường đại học công lập với các trường đại học tư thục.
Một tín hiệu vui mới đây, ĐH Bách khoa Hà Nội đã ký kết hợp tác với Công ty VinFast nhằm tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm công nghệ.
PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giải pháp đầu tiên là tăng cường ngân sách đầu tư để nhanh chóng phát triển hệ thống giáo dục ĐH tiệm cận trình độ quốc tế. Nếu giáo dục ĐH chỉ dựa vào học phí mà không nhận được sự đầu tư của Nhà nước, các ĐH có thể xa rời sứ mệnh của mình trong duy trì và phát triển nền tảng nhân lực, nền tảng khoa học công nghệ cho đất nước, cả hệ thống đứng trước nguy cơ “xóa sổ” một loạt ngành thiết yếu như: vật liệu, luyện kim, ô tô, vật lý hạt nhân…
Trước thực trạng, trong thời gian dài việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân có phần giảm sút, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong phạm vi của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ triển khai đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao cho các ngành này. Vấn đề quan trọng là các Bộ, ngành phụ trách, như Bộ GTVT đối với đường sắt tốc độ cao, hay Bộ Công Thương đối với điện hạt nhân, phải chủ trì xác định, dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực theo lộ trình. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ phối hợp để điều phối việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH mạnh nhất trong từng, ngành lĩnh vực đào tạo.
Phát triển ĐH thành các trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, phần lớn các nhà khoa học hiện nay công tác ở các cơ sở giáo dục ĐH, họ vừa làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khi gắn đào tạo ĐH với nghiên cứu, năng lực đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo sẽ nâng lên, đồng thời sẽ giúp triển khai tốt hơn các đề tài nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm khoa học, công nghệ tốt hơn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận định về mối liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn, tới thâm dụng tri thức và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ, ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt. Các cơ sở giáo dục đại học vừa là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ. Nhiều đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt là sẽ triển khai các chương trình đào tạo tài năng. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đề án cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhằm thu hút sinh viên giỏi theo học, đồng thời thu hút giảng viên giỏi nhất là những giảng viên ở nước ngoài về tham gia giảng dạy các chương trình tài năng (như đối với các chương trình đào tạo tiên tiến trước đây).
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xác định: cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh. Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp). Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM. Và chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài. Các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả...