Đáng chú ý trong đó có nội dung Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu các cán bộ thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Đồng thời, tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ...
Nên nhớ cho rằng, hiện tại, có bốn ngân hàng đang nắm 91% tổng dư nợ cho vay các dự án BOT, chủ đầu tư chỉ chi 10-15% vốn, còn lại vay ngân hàng. Người ta thường nói, các dự án BOT giao thông thường các nhà đầu tư “tay không bắt giặc” là thế, BOT gần như là “cục máu đông” của dòng tiền tệ là thế. Thậm chí, có dự án BOT, cán bộ Ngân hàng ngồi luôn ở các Trạm phu phí (có lúc gọi là Trạm thu giá) để thu luôn “tiền tươi thóc thật”. Nguy không?
Nói thêm, thống kê số liệu từ 8 ngân hàng “top đầu” cho thấy, dư nợ bất động sản các ngân hàng tính đến hết năm 2016 lên tới hơn 153.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng “đứng đầu” có số dư nợ ngành này là gần 37.500 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng dư nợ ở nhóm này.
Văn bản chỉ rõ: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo; Kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật.
Sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng mỗi quốc gia ngày càng giữ vai trò quan trọng; thậm chí, quyết định đối với ổn định nền kinh tế vĩ mô. Hệ thống ngân hàng là “nạn nhân” của sự bất ổn kinh tế, rồi đến lượt nó lại là “thủ phạm” tác động vào những bất ổn này.
Thanh tra và kiểm tra là cần thiết và đáng ra đó phải là việc làm thường xuyên. Lãnh đạo không có kiểm tra chưa phải là lãnh đạo, quản lý không có thanh tra chưa phải là quản lý. Mục đích cao cả nhất, “tầm” của “kiến nghị” sau cuộc thanh tra đó là về quản lý có cần thiết phải sửa đổi gì không chứ không chỉ “nằm ở giới hạn” thu bao nhiêu tiền thất thoát, chuyển cơ quan điều tra hay không.
Mấu chốt của thanh tra vì thế là “hiệu lực, hiệu quả”. Điều cần tránh của hoạt động thanh tra, kiểm tra là chồng chéo, đoàn sau “dẫm chân” lên đoàn trước hoặc lợi dụng quyền năng công vụ để gây phiền hà cho doanh nghiệp, “kiếm ăn”./.