(PLO) -Các luật sư cho rằng nhà khai thác máy bay cũng như các hãng bảo dưỡng máy bay không nên"ép" người lao động ký kết hợp đồng khi người lao động cảm thấy họ bị o ép. Ngược lại người lao động có quyền từ chối ký hợp đồng.
Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng, công ty Luật Đông Hà Nội, nếu các phi công không đồng ý với điều khoản nghỉ việc phải báo trước 120 ngày thì họ có quyền không ký hợp đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý, nhà khai thác đưa ra điều khoản trên trước khi hai bên giao kết hợp đồng (trước khi ký Hợp đồng lần đầu) hay trong quá trình đang thực hiện hợp đồng và người sử dụng lao động đưa ra điều khoản này để sửa đổi hợp đồng.
Theo đó, nếu điều khoản xuất hiện trước khi hai bên giao kết hợp đồng, người sử dụng lao động đưa ra điều khoản này thì phi công có thể từ chối ký kết hợp đồng. Điều đó cũng đống nghĩa việc quan hệ lao động theo hợp đồng sẽ không phát sinh.
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.. Ở đây nói lên ý chí của 2 bên người sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Không bên nào được ép buộc bên nào, người sử dụng lao động đại diện cho doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục vụ cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, vì vậy có những quyền nhất định cần tuyển lao động nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu đối với từng công việc cần tuyển, người sử dụng lao động những sẽ đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định.
Người lao động là người có nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng có những quyền sẽ căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện đưa ra của người sử dụng lao động để xem xét, nếu phù hợp với khả năng, năng lực của mình thì chấp thuận làm việc, hoặc có thể có những nội dung cần thoả thuận lại với người sử dụng lao động để đi đến sự đồng thuận của cả 2 bên như: thoả thuận lại mức lương, thường, làm thêm giờ…
"Trong bất kể trường hợp nào, khi người lao động không đồng ý làm việc thì người sử dụng lao động không bắt người lao động phải giao kết hợp đồng, vì họ có quyền tự do lựa chọn việc làm, làm cho bất cứ người sử dụng lao động nào và ở bất cứ nơi nào mà pháp luật không cấm. Ngược lại, khi người sử dụng lao động không đồng ý với những đòi hỏi của người lao động, thì không thể bắt người sử dụng lao động nhận người lao động vào làm việc doanh nghiệp được, vì họ có quyền tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh", luật sư Hồng phân tích rõ.
|
Luật sư Phan Thị Lam Hồng khẳng định: khi người lao động không đồng ý làm việc thì người sử dụng lao động không bắt người lao động phải giao kết hợp đồng |
Trường hợp điều khoản xuất hiện trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng, theo luật sư Hồng đây được xem là thỏa thuận sửa đổi hợp đồng. Cụ thể, việc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng được quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động năm 2012. Căn cứ quy định này, nếu nhà khai thác máy bay yêu cầu phi công ký kết sửa đổi bổ sung hợp đồng với “điều kiện nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày” thì phi công cũng có thể hoàn toàn không ký kết hợp đồng với điều kiện trên, do không đạt được sự thỏa thuận của hai bên và tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết trước đây.
Trong trường hợp nhà khai thác máy bay ép buộc phi công ký kết hợp đồng là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật vì hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên tham gia hợp đồng. Lúc này, giữa hai bên đã phát sinh tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích theo khoản 7 Điều 3 Bộ Luật lao động 2012.
Đồng quan điểm này, luật sư Lê Thành Vinh, Phó TGĐ Công ty Luật SMiC cũng cho rằng do quy định nghỉ việc phải báo trước 120 ngày trái với Bộ luật lao động 2012 nên phi công có quyền không ký Hợp đồng lao động với nhà khai thác có yêu cầu này. Nhà khai thác nào ép buộc Người lao động ký kết Hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc giao kết Hợp đồng lao động được quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2012.
|
Luật sư Lê Thành Vinh: phi công có thể khởi kiện |
Căn cứ vào Chương XIV của Bộ Luật lao động năm 2012 về giải quyết tranh chấp lao động và quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, cả hai luật sư đều cho rằng nếu bị ép buộc ký hợp đồng thì phi công có thể khởi kiện nhà khai thác máy bay ra tòa án có thẩm quyền để đề nghị giải quyết
"Việc ký kết hợp đồng lao động phải là sự tự nguyện của các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể (thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành). Trước khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động có quyền được biết các thông tin liên quan đến công việc, điều kiện làm việc, chế độ.... Vì vậy, nếu trong hợp đồng mẫu mà người sử dụng lao động cung cấp có nội dung vô lý hoặc bất lợi cho mình, người lao động có quyền thỏa thuận với người lao động để sửa đổi các điều khoản này và từ chối giao kết hợp đồng nếu không đồng ý với các điều khoản này. Trong trường hợp khi đã ký kết vào hợp đồng lao động mà người lao động sau đó nhận thấy rằng điều khoản vô lý, bất lợi cho mình là trái với quy định của pháp luật, trái với thỏa ước lao động, nội quy lao động thì người lao động có quyền khiếu nại đến Thanh tra lao động hoặc khởi kiện Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị tuyên Hợp đồng lao động vô hiệu", luật sư Phan Thị Lam Hồng phân tích.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.