Theo đó dự thảo quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho chủ sử dụng lao động 06 tháng.
PV: Thưa ông, từ góc nhìn của một người làm chính sách công đoàn, ông nghĩ gì về quy định đang gây tranh cãi, yêu cầu nhân viên ngành hàng không muốn đơn phương nghỉ việc phải nộp đơn xin nghỉ trước 06 tháng?
Ông Đặng Quang Điều: Tôi khẳng định là tất cả mọi vấn đề liên quan đến người lao động thì đều phải tuân thủ pháp luật về lao động. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất liên quan đến quyền lợi của người lao động hiện nay. Bởi vậy, tất cả các văn bản dưới luật như các Nghị định, Thông tư đều phải tuân thủ theo Bộ Luật lao động và không được phép trái Luật. Trong Bộ Luật lao động quy định, người lao động ký loại hợp đồng không xác định thời hạn khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng chỉ phải báo trước 45 ngày. Thời hạn báo trước có thể nhiều hơn 45 ngày tùy thuộc vào người lao động nhưng đó là thời hạn phải tuân thủ và đảm bảo không trái luật.
PV:
Theo ông, có nên quy định các trường hợp đặc thù không, ví dụ như vì ngành hàng không là nhân sự trình độ cao, chu kỳ kinh doanh là 06 tháng nên phải có quy định đặc thù như vậy?
Ông Đặng Quang Điều: Tôi cho rằng bất cứ trường hợp đặc thù nào thì cũng phải tuân thủ Bộ Luật lao động trước đã. Khi sửa đổi Bộ Luật lao động sao anh không có ý kiến là ngành tôi đặc thù? Nếu trong trường hợp là đặc thù thật thì trong luật phải có quy định riêng. Nếu bây giờ cho ngành hàng không quy định đặc thù thì nhiều ngành khác cũng đòi đặc thù, vậy sẽ xử lý thế nào? Chúng ta có tính đến phương án sửa Bộ Luật lao động không?
Ông Đặng Quang Điều |
PV:Vậy theo ông, có nên sửa luật không?
Ông Đặng Quang Điều: Luật đã ban hành, trước những đòi hỏi từ thực tế có những quy định không còn phù hợp thì cũng phải sửa. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi thấy chưa có gì thực sự cần thiết để phải sửa cả. Trong trường hợp nếu cần thiết phải sửa thì cũng phải sửa xong luật và luật có hiệu lực mới được áp dụng. Không thể nào lại có trường hợp ban hành một thông tư mà nhìn vào đã thấy trái luật như vậy.
PV: Trong trường hợp nếu Bộ Giao thông vận tải vẫn quyết ban hành quy định này, vậy đứng ở góc độ bảo vệ người lao động, Tổng Liên đoàn lao động sẽ phản ứng như thế nào?
Ông Đặng Quang Điều: Tôi cho rằng Bộ Giao thông vận tải có quyết cũng khó ban hành được văn bản với quy định ngang nhiên trái luật như vậy. Bởi, trước khi ban hành Thông tư nay, chắc chắn Bộ Giao thông vận tải sẽ phải xin ý kiến Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có một đơn vị chuyên “gác cổng” các văn bản này, chắc chắn họ sẽ có ý kiến và yêu cầu cơ quan ban hành văn bản phải giải trình. Về phía Tổng liên đoàn lao động, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến.
Chắc chắn công đoàn các cấp cũng phải có ý kiến về vấn đề này. Quan điểm của tôi là phải bám vào luật để góp ý và đưa ra các quy định. Không thể có chuyện Luật một đằng còn bên dưới muốn quy định kiểu gì cũng được.
Ông Phillip Hazelton |
Bình luận về vấn đề trên, ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng: việc yêu cầu thời gian báo trước khi muốn chấm dứt hợp đồng dài hơn so với quy định chung trong một số trường hợp đặc thù phụ thuộc vào các điều khoản hợp đồng lao động mà người lao động ký kết.
Nếu hợp đồng lao động có yêu cầu người lao động phải làm việc trong một khoảng thời gian nhất định để bù lại chi phí mà chủ lao động đã bỏ ra để đào tạo nghề/chuyên môn cho người lao động, thông thường hợp đồng có thể đàm phán về khoảng thời gian bắt buộc người lao động phải làm việc đó, miễn là khoảng thời gian này không quá dài.
Nếu người lao động xin thôi việc trước khoảng thời gian hai bên đã đồng ý này, việc bồi thường các chi phí đào tạo là có thể chấp nhận được, miễn là những chi phí này ở mức hợp lý. Điều này được quy định trong Bộ Luật Lao động (Điều 62).
Nếu hợp đồng lao động không đề cập đến những vấn đề này và không liên quan đến các trường hợp có việc đào tạo cụ thể, thì quy định riêng sẽ không thống nhất với Bộ Luật Lao động.
TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng không nên giải quyết vấn đề chảy máu chất xám như dự thảo thông tư của Bộ GTVT. Cần xử lý vấn đề từ quy chế tuyển dụng của DN, cụ thể là đưa ra các điều kiện ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ, như: phải cam kết thời gian làm việc tối thiểu, thống nhất thời gian phải báo trước khi nghỉ việc, nếu vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường kinh phí đào tạo. Tất nhiên, những trường hợp này chỉ áp dụng đối với NLĐ được cử đi đào tạo từ ngân sách của DN; các trường hợp tự bỏ kinh phí đào tạo, tuyển dụng trên thị trường chỉ được áp dụng theo BLLĐ (theo nld.com.vn)