Quy định phi công phải báo trước 120 ngày nếu muốn chuyển sang bay cho hãng hàng không khác được lý giải là để người khai thác máy bay lập kế hoạch duy trì hoạt động đảm bảo khai thác máy bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt. Tuy nhiên, một lần nữa giới phi công lại "dậy sóng" vì cho rằng những quy định trên vẫn trái với Bộ luật Lao động. Chia sẻ trên mạng xã hội, một tài khoản face book được cho là đại diện cho một số đông phi công cho biết sau khi Thông tư được ban hành, họ được nhà khai thác máy bay (nơi họ đang làm việc) yêu cầu ký vào hợp đồng mới, trong đó có điều khoản 120 ngày và một số điều khoản khác mà họ cho rằng là "vô lý".
"Quy định như thế là dở", CEO một hãng hàng không đồng thời là chuyên gia về hàng không, khá nổi tiếng nhận xét. Vị CEO này cho biết câu chuyện quy định 180 ngày hay 120 ngày này xuất phát từ việc trước đây, khi chưa có các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines tuyển dụng phi công, nhân viên kỹ thuật cao trong hợp đồng lao động đã không (tính đến) nên không có điều khoản ràng buộc về bồi hoàn chi phí đào tạo nếu chuyển việc. Sau này, khi có các hãng hãng không mới, có hiện tượng hàng loạt phi công chuyển đi thì Vietnam Airlines mới tìm giải pháp ngăn chặn.
Vị CEO này cũng nhận định tình trạng phi công nghỉ việc ồ ạt như hồi đầu năm 2015 (117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhận lực ở đội bay Airbus của Vietnam Airlines) là không ổn nhưng ông thẳng thắn cho rằng qui định muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là dở. "Tôi đã từng đề xuất các bộ nên ban hành một văn bản khác qui định về thời gian đào tạo và bồi thường chi phí đào tạo trong lĩnh vực hàng không và các hợp đồng lao động của hãng hàng không với người lao động sẽ căn cứ vào đó để dẫn chiếu. Nhưng đáng tiếc là họ không làm như vậy", vị CEO này nói.
Việc quản lý phi công trở thành câu chuyện nóng từ đầu năm tới nay của ngành hành không, ảnh minh hoạ. |
Được biết, ngoài quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc, thông tư số 41 còn quy định: Nhân viên trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động và các thỏa thuận liên quan. Ngoài ra, việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định trên nếu kết thúc vào tháng 6, 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó, trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì thời hạn hợp đồng sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó. Người khai thác máy bay, tổ chức bảo dưỡng máy bay có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo và các thỏa thuận có liên quan. Khi chấm dứt hợp đồng, nhân viên hàng không trình độ cao được hợp đồng với người khai thác máy bay và tổ chức bảo dưỡng máy bay của hãng mới.
Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 1-10-2015, được dùng làm căn cứ để các hãng hàng không ký hợp đồng với phi công cũng như các nhân viên hàng không trình độ cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý thì nếu như thấy quy định trên bất lợi, người lao động có thể từ chối ký hợp đồng.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.