Nghịch lý giờ làm thêm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin mà Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM (Hepza) Huỳnh Văn Tuấn công bố mới đây về việc “ở một số nhà máy nhiều công nhân muốn tăng ca, tình trạng mỗi năm làm thêm gần 1.000 giờ không phải hiếm” khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

1.000 tiếng đồng hồ mỗi năm, nghĩa là ngày nào cũng “đều như vắt chanh” làm thêm 2,73 tiếng bất kể thứ Bảy, Chủ nhật, lễ Tết, hội hè. Những người trẻ chưa có gia đình có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng với những người đã kết hôn, có con thì sẽ sống cho riêng mình và cho gia đình như thế nào khi mà số giờ làm việc mỗi ngày dài như thế?  

Một bài báo trên một trang mạng mới đây viết về cuộc sống của một nữ công nhân “ham” tăng ca tại một Cty ở TP HCM đã trả lời câu hỏi trên. Nữ công nhân này làm theo chế độ hai ca. Ca sáng lúc 7h - 16h30, sau đó tăng ca đến 19h; ca đêm từ 19h - 4h30 sáng hôm sau, tăng ca đến 7h. Làm liên tục bốn ngày, nghỉ hai ngày và đổi ca.

Tuy nhiên, chị và nhiều đồng nghiệp hầu như không sử dụng ngày nghỉ. Ngoài tăng ca ngày, đêm, mọi người còn đăng ký làm thêm ngày nghỉ. Tháng nào tăng nhiều hơn 160 giờ, ít cỡ 50, cộng lại cả 1.000 giờ mỗi năm. Tổng lương hơn 13 triệu đồng, chị chỉ nghỉ khi Cty tạm thời hết vật liệu.

Người mẹ phải tranh thủ giờ nghỉ giữa ca vắt ra, mua đá ở căn tin trữ lạnh; Cái giá phải trả là cuộc sống hiếm khi nào có được một bữa cơm với chồng con. Cái giá phải trả khác mà nhiều người chưa nhìn thấy là sức lực suy kiệt dần mà không có thời gian tái tạo, rồi đến lúc nào đó sẽ hối tiếc “ước gì thời trai trẻ mình không dại dột bán sức như thế”…

Pháp luật hiện hành quy định thời gian làm thêm của người lao động tối đa một tháng là 40 giờ, mỗi năm không quá 200 giờ. Một số ngành chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đủ, thời gian làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm. Mục đích của quy định này để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức khỏe...

Nghịch lý ở chỗ luật khống chế thời gian tăng ca nhưng tiền lương tối thiểu lại chưa đáp ứng được mức sống của công nhân. Phần lớn doanh nghiệp lại xây dựng lương cơ bản trên cơ sở lương tối thiểu khiến thu nhập người lao động không cao nên nhiều người muốn được tăng ca có thêm tiền. Tại nhiều tỉnh thành, những doanh nghiệp tăng ca nhiều dễ tuyển lao động, còn những nơi không tăng ca thường bị công nhân chê. Thậm chí ở một số nơi, công nhân còn yêu cầu, thậm chí đình công buộc doanh nghiệp phải… tăng giờ làm thêm.

“Không biết sức mình trụ được tăng ca bao lâu nhưng tôi không muốn chuyển công ty khác”, nữ công nhân trong bài báo nêu trên nói và lý giải vì làm thêm giờ có thêm tiền vẫn tốt hơn được nghỉ sớm, khỏe thân mà lương quá thấp không đủ sống. Theo một khảo sát, hiện mức lương cơ bản và tổng thu nhập của công nhân mỗi tháng chừng 6 triệu đồng, khó đảm bảo cuộc sống ở những đô thị lớn như TP HCM. Tăng ca ngoài việc thêm thu nhập còn giúp công nhân tiết giảm chi phí vì ăn uống đều ở nhà máy, về nhà trọ chỉ để ngủ.

Về lý mà nói, luật đã có, nhưng về tình thì rất khó xử phạt những doanh nghiệp tăng ca vượt quy định; vì đó là sự đồng thuận, tự nguyện, thậm chí thúc ép của công nhân. Điều căn cơ, để người lao động không phải tăng ca ngàn giờ mỗi năm, ngoài điều chỉnh lương tối thiểu, Nhà nước cần kiểm soát lạm phát, có chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở cho công nhân giúp công nhân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng lương nhận được không mất giá.

Đọc thêm