Nghịch lý người bị hại phải bồi thường thiệt hại

Trong vụ án này, TAND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, triệu tập Công ty Điện lực Hòa Bình là không đúng, bởi Cty này chỉ là đơn vị trực thuộc Tổng Cty Điện lực miền Bắc. Do vậy, tư cách pháp nhân tham gia tố tụng phải là Tổng Cty Điện lực miền Bắc.

Gia đình ông Trịnh Ngọc Năm ở khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình xây nhà trong hành lang lưới điện 35kv Hòa Bình – Tân Lạc, lộ 373, khoảng cột 43 đến 44, không xin phép cơ quan quản lý xây dựng và ngành điện.

Ngày 12/2/2002, Chi nhánh điện Cao Phong, Điện lực tỉnh Hòa Bình đã lập biên bản về vi phạm trên, đại diện gia đình ông Năm và chính quyền địa phương đã xác nhận vị phạm này. Tuy cho tồn tại, nhưng đoàn kiểm tra yêu cầu gia đình ông Năm phải thực hiện những qui định về bảo vệ an toàn lưới điện.

Tuy nhiên, ngày 4/12/2008, phát hiện gia đình ông Năm cơi nới xây tiếp tầng 2 ngôi nhà trên mà vẫn không xin phép các cơ quan chức năng về xây dựng và điện lực, Đoàn kiểm tra Chi nhánh điện Cao Phong một lần nữa nghiêm khắc cảnh cáo, yêu cầu gia đình ông Năm và thợ xây không được vi phạm khoảng cách bảo vệ an toàn hành lang lưới điện và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm của mình. Gia đình ông Năm đã ký biên bản có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong và hứa sẽ thực hiện nghiêm chỉnh. 

Mọi việc tưởng chừng được gia đình ông Năm chấp hành nghiêm chỉnh, song ngày 20/12/2008, ông Năm lại thuê ông Nguyễn Công Minh cùng con ông Minh là Nguyễn Thành Lâm, thợ hàn ở khu phố 3, thi công mái tôn chống nóng tầng 2 ngôi nhà.

Trong quá trình làm việc, anh Lâm sơ ý để thanh sắt làm mái dài 6m chạm vào đường dây 35kv, khoảng cột 43-44 sát nhà ông Năm, gây ra sự cố lưới điện và anh Lâm bị bỏng nặng và bị cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và 1/3 chân trái, tổn hại 87% sức khoẻ.

Kết quả khám nghiệm hiện trường đã xác định nguyên nhân là do xây nhà vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, gây hậu quả nghiêm trọng. Song mãi đến ngày 25/7/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Phong mới có văn bản số 09 do Thượng tá Nguyễn Đăng Trường ký “không khởi tố hình sự”.

Sau đó, ngày 22/12/2010, TAND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình xét xử sơ thẩm dân sự đã quyết định chấp nhận yêu cầu đền bù thiệt hại của nguyên đơn là anh Lâm với số tiền 193.509.000 đồng với phán quyết: Cty Điện lực Hòa Bình phải bồi thường cho anh Lâm 63.877.000 đồng cùng 3.193.000 đồng án phí sơ thẩm dân sự, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nguồn điện nguy hiểm theo điều 623 Bộ luật Dân sự. Ông Trịnh Ngọc Năm đã vi phạm các qui định pháp luật về xây dựng và điện lực.

Tuy đã được nhắc nhở song vẫn vi phạm nhiều lần, phải bồi thường cho anh Lâm 32.906.000 đồng và 1.645.000 đồng án phí sơ thẩm dân sự.

Qua thực tế vụ vi phạm trên, đối chiếu với những qui định của pháp luật, việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương có nhiều vấn đề về pháp lý cần phải được làm rõ. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Năm không chỉ một lần và đã được các cơ quan có thẩm quyền cảnh báo nhắc nhở.

Hành vi vi phạm này đã gây sự cố lưới điện, gây thiệt hại cho ngành Điện và các hộ sử dụng điện, gây nguy hiểm cho xã hội, gây thương tích nặng nề cho anh Lâm cụt 1 chân, 1 tay, mất 87% sức khoẻ, do vậy cần phải đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự ông Năm, không thể điều chỉnh xử lý theo quan hệ dân sự đơn thuần!

Quá trình tiến hành tố tụng vụ việc trên, TAND huyện Cao Phong chưa xác định đúng trách nhiệm pháp lý của người tham gia tố tụng. Bởi lẽ, trong vụ án này, TAND huyện Cao Phong lại triệu tập Công ty Điện lực Hòa Bình là không đúng; bởi Cty này chỉ là đơn vị trực thuộc Tổng Cty Điện lực miền Bắc. Do vậy, tư cách pháp nhân tham gia tố tụng phải là Tổng Cty Điện lực miền Bắc.

Vì những lẽ trên, cần xem xét lại vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện này để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân và sự tôn nghiêm của pháp luật.

T.Đức

Đọc thêm