Cái chết bất ngờ của cụ bà
Khoảng 19h tối 5/10, nghe tiếng la hét từ phía nhà ông Nguyễn Đáng (SN 1927, thôn Vinh Đông) mọi người trong xóm liền chạy sang thì bà Nguyễn Thị Mai (SN 1932, vợ ông Đáng) nằm trên sân trước nhà. Cạnh đó là ông Đáng và con trai Nguyễn Văn Trung đang trong trạng thái hốt hoảng. Nhận thấy hơi thở của bà Mai rất yếu nên mọi người khiêng vào nhà để sơ cứu. Tuy nhiên chỉ một lát sau bà Mai đã tắt thở. Ngay sau đó, vụ việc được cấp báo cơ quan chức năng. Khám nghiệm tử thi, cơ quan công an xác định nạn nhân bị tụ máu não, gãy 2 xương sườn trái, tràn dịch màng phổi dẫn đến tử vong.
Vụ việc bà Mai chết bất ngờ, không có ai chứng kiến ngoài cha con ông Đáng đã làm dấy lên nghi ngờ đó là một vụ án mạng. Từ trước đến nay, cả xóm ai cũng biết mỗi lần Trung nhậu say thường mất kiểm soát. Nhiều người cho rằng Trung uống rượu không làm chủ bản thân nên đánh mẹ đến chết, bởi nếu chỉ té ngã thì không thể bị gãy xương sườn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng bà Mai chỉ bị xô ngã chứ không phải do bị con trai đánh.
Chị Huỳnh Thị Thanh, vợ đối tượng |
Theo lời thuật lại của ông Đáng, khi hai vợ chồng ông đang chuẩn bị ngủ thì Trung (nhà ở bên cạnh) khật khưỡng bước sang. Lúc đó, người Trung nồng nặc mùi rượu, nói năng lải nhải. Biết tính con trai, ông Đáng nhẹ nhàng bảo: “Mi về nhà đi để tao ngủ”. Không những không nghe lời cha, Trung càng lớn tiếng hơn, thậm chí chửi thề với bậc sinh thành. Bực tức vì đứa con trai say xỉn, ông Đáng chạy ra sân lấy một thanh tre nhỏ với mục đích đánh đuổi Trung về nhà. Thấy cha cầm cây, Trung cũng vớ ngay một khúc tre to hơn ở gần đó để “khiêu chiến”. Lúc này, bà Mai vừa bước từ trong nhà ra giằng lấy thanh tre trên tay ông Đáng vất ra xa. Sau đó bà tiến lại định giật khúc tre trên tay Trung thì bị Trung đẩy ngã nhào xuống sân.
Theo lời kể của ông Dương Văn Bảy (công an viên thôn Vinh Đông), khoảng 19h20 tối 5/10, lúc ông đang họp ở thôn thì nghe tin báo vụ việc. Ông lập tức đến nhà bà Mai thì phát hiện bà đã chết. Hai thanh niên hàng xóm cho ông biết, khi họ nghe tin, chạy sang thấy bà Mai vẫn còn sống nhưng đưa vào nhà chừng vài phút sau thì bà đã tắt thở. Sau khi nghe khai báo của ông Đáng và người dân, ông Bảy sang nhà Trung thì thấy y đang xem tivi. Ông Bảy liền báo công an xã Bình Trị đến đưa Trung về trụ sở UBND xã rồi bàn giao đối tượng cho Công an huyện Thăng Bình xử lý theo thẩm quyền.
“Nổi chướng” mỗi lần say rượu
Với vẻ mặt khắc khổ, ông Đáng cho biết, vợ chồng ông có 3 người con trai đều đã lập gia đình riêng. Người con lớn đang sinh sống ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), người con trai út có gia đình ở xã bên. Trung là con giữa, cũng lấy vợ rồi dựng nhà trong một khu vườn cách nhà ông chừng 20 mét. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các con của ông Đáng học hành không đến nơi đến chốn. Riêng Trung chỉ học đến lớp 2 thì nghỉ.
Vào những năm 1990, phong trào đào đãi vàng ở Quảng Nam diễn ra rầm rộ, Trung cũng theo đám bạn đi khắp vùng núi Phước Sơn, Trà My để “đãi giấc mộng vàng”. Vàng đâu không thấy, chỉ có thân tàn ma dại mang về, báo hại cả nhà ông Đáng phải chạy vạy thuốc thang. Một ngày năm 1998, trong lúc nhóm phu vàng của Trung đang ngủ trong lán trại thì bất ngờ một nhánh cây rừng to gãy đổ xuống. Một người bị đè chết tại chỗ, riêng Trung bị chấn thương nặng ở đầu phải điều trị ở bệnh viện cả tháng trời.
Sau tai nạn khủng khiếp đó, Trung bỏ hẳn bãi vàng về nhà làm nông. Thế nhưng gần chục năm lăn lộn ở các bãi vàng, do hít phải khói bụi, hóa chất độc nên Trung mang nhiều trọng bệnh. Tuy vậy, do kinh tế khó khăn, Trung không đi khám và điều trị tích cực nên cơ thể rất yếu ớt. Ba năm trước, gia đình đưa Trung đi bệnh viện thăm khám, bác sĩ kết luận Trung mắc bệnh bụi phổi. Trước đó, năm 13 tuổi, trong lúc chăn bò, Trung nhặt được một quả đạn M79. Thật không may, quả đạn phát nổ, Trung bị mất 3 ngón tay ở bàn tay trái, sức ép vụ nổ cũng làm cho tai Trung ù đặc. Chưa hết, năm 1999, trong lúc đi chơi, Trung bị một người bệnh tâm thần vô cớ nện một cây xà beng bằng sắt vào đầu. Lần này Trung phải nằm viện hơn một tháng.
Năm 2001, Trung lấy vợ, sinh được 2 đứa con trai kháu khỉnh. Hằng ngày vợ chồng Trung làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề giúp việc. Trung không làm được việc nặng nhưng bù lại có người vợ tháo vát, đảm đang nên cuộc sống cũng tạm ổn. Chị Huỳnh Thị Thanh (SN 1970, vợ Trung) chia sẻ, trước đây Trung vốn là người hiền lành, thương yêu vợ con. Tuy nhiên, khi uống rượu vào thì Trung như biến thành người khác, vợ con hay cha mẹ nói gì cũng không nghe. Mấy năm gần đây, Trung hay mắng chửi vợ con, gây gổ với cha mẹ, anh em, kể cả khi không có rượu. Theo chị Thanh và những người trong gia đình, do bị nhiều tai nạn ảnh hưởng đến sọ não nên thần kinh của Trung không ổn định.
Hàng xóm của Trung cho biết, y đã nhiều lần đuổi đánh vợ, xô xát với cha mình dù ông đã cao tuổi, mắt mờ. Mới năm ngoái, trong một lần “nổi chướng” vì rượu, Trung không cho đứa con trai lớn đang học lớp 6 đi thi học kỳ. Báo hại cô giáo phải đến nhà, sau đó xin bảo lãnh cho cháu bé thi bổ sung. Có gì không vừa lòng với hàng xóm anh ta cũng đem ra chửi, kể cả những chuyện không đáng gì. Vì thế, Trung bị hầu như cả thôn Vinh Đông chường mặt. Bà N.T.M. một người hàng xóm kể, có lần Trung gây gổ với đám thanh niên xóm ngoài, bị nhóm này đánh nhừ tử phải bò lê ngoài bụi chuối. Lần khác, Trung đi uống rượu say rồi quậy phá quán, người dân ở đây phải trói tay chân, bỏ lên xe kéo đưa ra ủy ban xã.
Ông Bảy cho biết thêm, cách đây 2 năm, sau khi uống rượu, Trung xách dao phay ra đứng trước ngõ nhà mình, hễ có ai đi ngang qua là rượt chém. Hôm đó, ông Bảy phải huy động dân quân và mấy thanh niên trong thôn vất vả vây ráp mới khống chế được Trung. Xã đã 2 lần triệu tập và xử phạt Trung vì tội gây rối trật tự công cộng, thế nhưng Trung vẫn chứng nào tật nấy.
Bài học từ rượu
Hiện nay, tình trạng lạm dụng rượu bia đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Thành phần, lứa tuổi lạm dụng rượu bia cũng đa dạng, trong đó thanh niên, trung niên, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá lớn. Một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và chiến lược Y tế về tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam cho thấy, cứ 100 người thì có 33 người sử dụng rượu ít nhất 1 lần/tuần. Lý do của việc sử dụng rượu bia chủ yếu là do tác động của bạn bè và trạng thái hưng phấn của cá nhân người sử dụng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các vụ tội phạm và gây rối trật tự công cộng do có sử dụng rượu bia cũng đang có xu hướng gia tăng.
Gần chục năm nay, việc Trung thường uống rượu say xỉn rồi chửi bới, gây gổ làm cho người dân nơi đây ngán ngẩm. Không chỉ thường xuyên phải nghe la mắng, vợ Trung nhiều lần còn bị chồng đuổi đánh nhưng chị vẫn nín nhịn. Nhiều lúc không chịu nổi, chị phải nhờ chính quyền can thiệp. Cán bộ, đoàn thể ở thôn đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động nhưng Trung chỉ vâng dạ rồi đâu lại vào đấy. Cũng có lúc nghe khuyên can, Trung gân cổ cãi lại nên họ chỉ biết lắc đầu.
Vụ việc đang được công an huyện Thăng Bình điều tra, làm rõ. Cho dù Trung có cố ý hay vô ý gây thương tích cho mẹ già dẫn đến cái chết tức tưởi của bà thì rõ ràng nguyên nhân có phần của rượu./.