Cho đến nay, chúng ta chỉ còn biết đến luật xưa của cha ông qua hai bộ luật thành văn còn giữ được là Quốc triều hình luật thời Lê sơ (1428-1527) và Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn (1802-1945), cùng một số văn bản liên quan. Nhưng từ trước đó, cái nạn sách nhiễu dân đã hiện diện, cũng như cha ông đã từng ngăn chặn nó.
Còn nhớ, thời Trần (1225-1400) có trường hợp bà Trần Thị Thái Bình, vốn là cung tần của Thượng hoàng Trần Anh Tông, nhưng tính tham lam, nên hay dựa vào vị thế của mình để thường chiếm đoạt ruộng đất của dân lành vào đầu thế kỷ XIV, đến nỗi dân ức chế phải kiện lên hữu ty. Việc đến tai Vua Trần Minh Tông.
Dù là thê thiếp của vua cha nhưng Minh Tông không bênh, mà giao cho Uy Giản hầu (lấy Công chúa Huy Chân, con gái bà Thái Bình) và lệnh rằng “ngươi nên theo đơn mà trả ruộng cho dân”. Uy Giản hầu là con rể bà Thái Bình, nhưng không vì tình nhà, mà như ghi chép trong Toàn thư cho hay “Uy Giản lập tức vâng chiếu trả ruộng. Sau Thái Bình chết, Uy Giản đem tất cả ruộng đất bà chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông”.
Vậy là ta thấy, dẫu thân thích, gần gũi đến thế, nhưng từ Vua Minh Tông đến Uy Giản hầu lấy phép nước, lợi ích của dân làm trọng chứ không vì tình nhà mà để cho thân thích bòn rút của dân lành. Trên đã ngay như thế, lẽ dĩ nhiên dưới phải thẳng thớm tuân theo.
Nơi Quốc triều hình luật thời Lê sơ, ghi nhận có rất nhiều điều luật liên quan đến việc quy định hình phạt, mức độ nặng nhẹ của tội sách nhiễu dân từ quan chức cho đến thân thích… Tỉ như Điều 67 Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) có đoạn chép: “Các quan tướng súy tại phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình, sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả cho dân. Quan tôn thất từ nhị phẩm trở lên can tội ấy, xử phạt 100 quan; những người gia thuộc làm việc sách nhiễu để làm rối loạn trong hạt, thì luận tội khác…”; hoặc Điều 21 Chương Hộ hôn nêu rõ: “Những người cai quản dân đinh mà làm bậy nhũng nhiễu thì xử tội bãi chức hay đồ. Tôn thất từ nhị phẩm trở lên thì phải phạt tiền 100 quan; trị tội các thuộc lại trong nhà; truất quyền quản giám”. Ngoài ra, ta có thể tìm hiểu thêm những Điều 88, 89, 90, 133 Chương Vi chế, Điều 42, 43 Chương Hộ hôn… có liên quan đến quy định xử tội sách nhiễu dân.
Trong thực tế, ta có thể thấy được cụ thể sự áp dụng luật lệ vào xử phạt tội sách nhiễu dân của quan lại thời Lê sơ. Ví như trường hợp tù trưởng Cầm Quý “bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ hết về mình”. Sau y bị Vua Lê Thái Tông ra lệnh bắt giữ. Hay năm Đinh Tỵ (1437), ở huyện Thạch Thất (thuộc Hà Nội nay) có Tổng quản Lê Hiệu dựa chức vụ, lấp một nhánh sông làm đất riêng của mình đến nỗi thuyền bè không đi lại được, sau bị Chuyển vận Trần Hiển tâu lên với triều đình để nghị tội…
Ở thời Nguyễn, trong Hoàng Việt luật lệ cũng có nhiều điều luật định rõ đối với tội quan chức nhà nước sách nhiễu dẫn. Xem Điều 5 “Vòi vĩnh đòi thêm tiền” thuộc Chương Bưu dịch, chép rõ:
“Phàm nhân viên sai phái nếu người nào vòi vĩnh đòi thêm tiền thì tính theo số tang vật, xử theo tội bất uổng pháp. Quan đương cai cho tiền thì tội giảm một mức. Nếu bắt ép vòi tiền thì xử theo luật bất uổng pháp…”;
hoặc Chương Chợ búa có đoạn ghi: “Các sở công tư của các nha môn lớn nhỏ cần có hàng hóa phải trao đổi công bằng theo giá thị trường, không được sử dụng bọn tay chân môi giới mượn cớ việc chung kiếm lợi riêng. Nghĩa là nếu có sai mua thì phải giữ đúng công chính, không được mượn cớ sách nhiễu…”.
Áp dụng luật vào thực tế, ta thấy luật pháp nhà Nguyễn đã nhiều lần xử tệ sách nhiễu này. Chẳng hạn vụ việc xảy ra năm Quý Mão (1819) được Quốc sử di biên ghi lại. Theo đó, “Hiệp trấn Quảng Yên vì tội hống hách lấy của dân nên bị khép tội tử hình”.
Sự vụ cụ thể là ruộng châu Vạn Ninh, Quảng Yên phần nhiều bỏ hoang, quan Tham hiệp “ép người dân phải khai nhận làm ruộng nộp thuế để yêu sách lấy tiền bạc có đến mấy nghìn”. Dân vì bị áp chế, bóc lột quá đáng, nên khiếu kiện lên quan trên, từ đó mà Tham hiệp bị tội tử theo luật nước. Vị quan này, chính là đời chồng thứ ba của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.
Ấy, người xưa nghiêm trị tội dùng quyền lực, vị thế sách nhiễu, bòn rút của dân lành để bảo vệ nghiêm việc nội trị là thế...