Nghiên cứu mới nhất về vai trò của nữ đại biểu dân cử

(PLVN) - Cả nam và nữ đại biểu dân cử đều coi trọng ba phẩm chất: “lắng nghe”, “có chính kiến”, và “có khả năng theo đuổi vấn đề”. Nhưng nữ đại biểu đề cao hơn phẩm chất “có khả năng theo đuổi vấn đề” hơn nam đại biểu. 
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội tham gia họp báo.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội tham gia họp báo.

Đây là Kết quả nghiên cứu về “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” được công bố tại buổi báo cáo chuyên đề trực tuyến diễn ra sáng nay (19/5), do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng các đối tác thực hiện.  

Nghiên cứu mới nhất đã khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp có ý nghĩa của nữ đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2016-2021 và khuyến nghị cử tri nên lựa chọn những ứng cử viên dựa trên năng lực và trình độ, không phân biệt giới tính.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia trả lời phiếu hỏi của 248 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIV (50% số ĐBQH) và 136 đại biểu HĐND cấp tỉnh của ba tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ. Bằng phương pháp nghiên cứu thực chứng sử dụng phân tích định lượng và định tính, nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất chính sách và thực tiễn hướng tới bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026 và hướng tới 2030.

Kết quả nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” cho thấy, mặc dù có mối quan tâm và thế mạnh ở các lĩnh vực khác nhau, cả nam và nữ đại biểu dân cử đều quan tâm đến lợi ích cử tri, coi lợi ích cử tri là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, nữ ĐBQH và HĐND có xu hướng chủ động hơn trong việc tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri so với các nam đại biểu.

Về phẩm chất quan trọng của đại biểu dân cử, cả nam và nữ ĐBQH và HĐND đều coi trọng ba phẩm chất “lắng nghe”, “có chính kiến”, và “có khả năng theo đuổi vấn đề”. Nhưng nữ đại biểu đề cao hơn phẩm chất “có khả năng theo đuổi vấn đề” hơn nam đại biểu. 

So với nữ đại biểu HĐND, nam đại biểu HĐND có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động xây dựng nghị quyết, còn nữ đại biểu có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Ngoài ra, cả nam và nữ đại biểu dân cử đều khẳng định họ đáp ứng nhu cầu giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri ở mức độ cao. Bên cạnh đó, ĐBQH (cả nam và nữ) đều tự đánh giá họ có thế mạnh nhất ở lĩnh vực lập pháp. Tương tự, cả nam và nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh cho rằng hoạt động giám sát là thế mạnh bậc nhất của họ. 

Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam và UNDP Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). 

“Kết quả nghiên cứu cho thấy nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 đóng góp ngang tầm với nam đại biểu dân cử đồng nhiệm, thậm chí có phần nổi trội hơn ở một số lĩnh vực, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Chúng ta có thể tin tưởng và dành cho các nữ ứng cử viên có năng lực những lá phiếu để họ đại diện cho 50,2% dân số nữ ở Việt Nam”- GS. TS. Phạm Quang Minh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu bày tỏ.

Báo cáo nghiên cứu cũng đề xuất cần tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri qua tất cả các kênh, nhất là kênh truyền thông xã hội. Đồng thời, cần khuyến khích và tạo mọi cơ hội để cả nam và nữ ĐBQH và HĐND tham gia tất cả các lĩnh vực bằng việc áp dụng chỉ tiêu giới trong tất cả các Uỷ ban của Quốc hội và trong các ban của HĐND các cấp. 

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP nhấn mạnh, điều căn bản nhất là cả “hai nửa của nhân loại” có tiếng nói công bằng trong tất cả mọi vấn đề căn cơ đối với họ. Do đó, cần vận dụng nhãn quan giới trong tất cả các bước ra quyết định trong khu vực công- từ các vấn đề chính trị, xã hội tới quan hệ lao động và hoạt động kinh tế- nhằm đảm bảo xem xét đầy đủ nhu cầu và kỳ vọng cụ thể của phụ nữ và nam giới cũng như những người có bản dạng giới khác, đồng thời đảm bảo điều kiện nhằm phát huy mọi tiềm năng của mỗi người và lực lượng lao động.

Tỉ lệ đại biểu chủ động tiếp xúc cử tri chưa cao ở cả hai nhóm ĐBQH và HĐND và ở cả hai giới nam và nữ. Song, tỉ lệ nữ đại biểu chủ động tiếp xúc cử tri trong năm 2019 cao hơn khá nhiều so với nhóm nam đại biểu, với chênh lệch gần 10%.

Đọc thêm