Nghìn tỉ có đảm bảo được chất lượng giáo dục?

(PLO) - Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nhiều ý kiến từ thực tiễn cho rằng, không ít quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa thống nhất hoặc còn bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý yên tâm đầu tư của nhà đầu tư và việc dạy học của thầy trò các cơ sở này.  
Ảnh minh họa.

Thành lập cơ sở đào tạo ĐH: phải có vốn 1000 tỷ

Theo Điều 26 quy định về vốn đầu tư, Dự thảo yêu cầu dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất), tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất. 

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ số lượng học viên quy đổi toàn phần thời gian tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải có tổng số vốn đầu tư  tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật Đầu tư. Dự án đầu tư xin mở phân hiệu của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư và vốn đầu tư ít nhất tương đương mức quy định cho việc thành lập cơ sở giáo dục nói trên.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định đối với các cấp đào tạo nói trên.

Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng ASEAN – lo ngại sẽ cần nhiều thông tư để hướng dẫn thi hành Nghi định, nhất là với quy định thành lập ĐH quy định vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng mà theo bà là “không hợp lý, không sát”.

Hiện nay các cơ quan hữu quan đang xây dựng một nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đối với các cơ sở đào tạo trong nước. Theo đó, trước đây khi thành lập một trường ĐH trong nước, thì vốn đầu tư là 250 tỷ đồng. Để đảm bảo tránh tình trạng đầu tư manh mún, không có chất lượng, cơ quan soạn thảo đề xuất mức cam kết đầu tư khi thành lập là 1000 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thẩm định thành lập thì phải đảm bảo được 500 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những lý do mức đầu tư đối với trường ĐH đầu tư nước ngoài để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng cao hơn.

Phải thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 

Nghị định này được xây dựng nhằm thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đây là Nghị định quy định cụ thể và chi tiết của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. “Vì vậy, các quy định nêu ra trong Nghị định này, trước hết cần phải có sự kết nối và thống nhất với các Luật nêu trên và đặt trong bối cảnh riêng là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nếu không sẽ rất dễ bị sai về mặt pháp lý” - ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc pháp chế, Tập đoàn giáo dục KinderWorld Việt Nam nhận định.

Theo ông Hùng, cấu trúc pháp lý và quản trị đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục khá đặc thù nếu như không muốn nói là phức tạp. Các nhà đầu tư nước ngoài phải lập ra một pháp nhân là Công ty và sử dụng pháp nhân Công ty lập ra các cơ sở giáo dục (trường học) để cung cấp dịch vụ giáo dục. Về mặt pháp lý, pháp nhân Công ty chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trong khi đó các cơ sở giáo dục lại chịu sự điều chỉnh chủ yếu của các luật liên quan về giáo dục. 

Sự phức tạp trong cấu trúc pháp lý này là mấu chốt dẫn đến sự nhầm lẫn, thiếu sót trong soạn thảo các văn bản pháp luật và chồng chéo trong quản lý đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan quản lý về giáo dục chỉ quản lý và có kiến thức chuyên môn về giáo dục trong khi các cơ quan quản lý về đầu tư chỉ quản lý và kiến thức chuyên môn về đầu tư. 

Hơn nữa, nhiều ý kiến thắc mắc, đối với các trường Việt Nam, sau đó có các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, ví dụ họ mua 70%, trên 51%, thì các trường đó có trở thành đối tượng điều chỉnh của Nghị định mới này hay không? Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trường Quốc tế Việt – Úc), băn khoăn: “Trong những trường hợp như vậy họ có mặc định chuyển từ trường tư thục trong nước, thành trường quốc tế hay không? Nếu các trường này muốn chuyển hình thức từ trường Việt Nam sang trường quốc tế thì sẽ theo các thủ tục như thế nào?”.

Đọc thêm