Ngoại giao văn hóa là hoạt động không thể tách rời của công tác đối ngoại

(PLO) - “Hoạt động ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao đã được triển khai rất tích cực, bài bản và cụ thể ở 95 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trở thành một một bộ phận không thể thiếu và không thể tách rời của công tác đối ngoại Việt Nam”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu. 
Ảnh: TTXVN
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu. Ảnh: TTXVN

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu, ngoại giao văn hóa đã trở thành 1 trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam hiện đại từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 diễn ra 10 năm trước. “Trước đây, Việt Nam đã có hoạt động ngoại giao văn hóa nhưng vẫn còn lẻ tẻ và chưa trở thành xu hướng. 10 năm trước, ngoại giao văn hóa đã trở thành một trụ cột của hoạt động đối ngoại. Bộ Ngoại giao đã xây dựng được hành lang pháp lí, trong đó có Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tăng cường công tác ngoại giao văn hóa và sau đó là Chương trình hành động về ngoại giao văn hoá. Kể từ đó, hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai ở cấp độ quốc gia và đặc biệt là các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài”, ông Châu cho hay.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, ngoại giao văn hóa hướng đến nhiều đối tượng, bao gồm các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, những người nước ngoài ở Việt Nam, Việt kiều ở nước ngoài và đông đảo người nước ngoài. Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất của ngoại giao văn hóa là giúp bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam và ủng hộ Việt Nam. Nhiệm vụ thứ hai của ngoại giao văn hóa, theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, là quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; giới thiệu bản sắc riêng của Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nhiệm vụ thứ ba của ngoại giao văn hóa là góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, góp phần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại các địa phương, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, theo ông Phạm Sanh Châu, hoạt động ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao đã được triển khai rất tích cực, bài bản và cụ thể ở 95 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trở thành một hoạt động không thể tách rời của các cơ quan đại diện. “Ở một số quốc gia trên thế giới, các sứ quán của ta chỉ là vừa và nhỏ với chỉ khoảng 4 đến 5 người, vừa làm công tác nghiên cứu, dự báo, công tác ngoại giao chính trị… nhưng tất cả đều thực hiện hoạt động ngoại giao văn hóa. Trong thời gian tới, chúng ta đang cố gắng đưa ngoại giao văn hóa gắn liền với các hoạt động chính trị, ví dụ tăng hàm lượng văn hóa trong diễn văn của các nhà lãnh đạo…”, ông cho hay.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cũng cho rằng chúng ta phải tiếp tục các hoạt động ngoại giao văn hóa để bảo vệ bản sắc dân tộc bởi hiện tại chúng ta đang tiếp thu những giá trị văn hóa tích cực của thế giới, đồng thời cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi những trào lưu khác. “Trong quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa, chúng ta phải kết hợp được cả hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc của mình. Trong Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định không đánh đổi di sản lấy phát triển. Ngoại giao văn hóa phải góp phần vào việc này”, ông nói.

Vẫn theo ông Phạm Sanh Châu, ngoại giao văn hóa phải thực sự đóng góp vào phát triển. “Ví dụ các danh hiệu di sản chúng ta đạt được phải giúp thu hút được du khách đến đông hơn. Phải làm sao để ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quá trình thúc đẩy phát triển, du lịch và đóng góp vào xóa đói giảm nghèo của người dân”, ông nói. 

Đọc thêm