Ngôi chợ lâu đời nhất phố cổ được giới nhà giàu chuộng mua vì toàn đồ chất lượng tươi ngon

(PLVN) -  Nhiều thế kỷ trôi qua, chợ Thanh Hà – ngõ Củ Nâu xưa vẫn trường tồn qua bao mùa mưa nắng, mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn nhộn nhịp đông vui, mộc mạc như bức tranh quê giữa lòng Hà Nội.

Nói thì nghe to tát, nhưng thực ra chợ cổ Thanh Hà bé tí teo, đi một lèo chưa đến chục phút là hết. Cả ngõ chợ dài độ hơn trăm mét nhưng hàng quán chi chít 2 bên lối đi, dù chật chội vô cùng nhưng chẳng hiểu sao khách vẫn kéo qua nườm nượp từ sớm đến tối.

Ngõ chợ Thanh Hà nổi tiếng với nhiều món ăn ngon đặc trưng Hà thành và các vùng miền khác như bánh chưng rán, nộm bò khô, bánh bột lọc, nem cuốn, canh bún, chả rươi… với mức giá rất rẻ.

Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì chợ Thanh Hà vốn là khu chợ tạm phát sinh từ chợ Đồng Xuân – một trong những biểu tượng phồn hoa nổi tiếng của phố cổ Hà Nội ra đời từ thời Pháp thuộc. Ngày ấy trong ngõ có nhiều nhà buôn bán nông lâm sản từ các bè chở đến bến sông Hồng, với mặt hàng phổ biến là củ nâu, nên ngõ Thanh Hà còn có tên gọi khác là ngõ Củ Nâu, hoặc Hàng Nâu.

Thuở mới khai lập, chợ tạm thuộc thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay, chợ vẫn giữ nguyên tên giống ngõ Thanh Hà, họp từ phố Nguyễn Thiện Thuật đến phố Hàng Chiếu đoạn ngay sát Ô Quan Chưởng – di tích cửa ô cuối cùng còn sót lại của thành Thăng Long xưa. Trải qua vô số thăng trầm và chiến tranh tàn phá, chợ Thanh Hà vẫn tái sinh nhờ mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ người dân sống trong con ngõ nhỏ, và cả những tiểu thương từ khắp các tỉnh thành đổ về giao thương. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo được giữ gìn nguyên vẹn giữa lòng phố cổ, chợ Thanh Hà còn là chứng tích lịch sử suốt hàng trăm năm qua.

Những ngày cuối tháng Chạp, chợ Thanh Hà có thêm nhiều loại hàng hóa, thực phẩm đa dạng hơn ngày thường.

Tuy thời gian đã cải biến quá nhiều khiến ngõ chợ Thanh Hà không còn những nếp nhà cổ đặc trưng theo kiến trúc xưa nữa, song nhiều thế hệ người dân vẫn duy trì thói quen họp chợ mỗi ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, chỉ cần tìm đến ngõ Thanh Hà thì ai cũng sẽ cảm nhận được không khí nhẹ nhàng cổ điển, khác biệt hẳn so với hàng trăm ngõ chợ khác quanh Hà Nội. Cũng đông đúc huyên náo, đủ loại hàng hóa từ đồ ăn sẵn đến tươi sống như bất kỳ chợ nào, song chợ cổ Thanh Hà lại sở hữu những quầy hàng vẹn nguyên nét truyền thống, giản dị chân mộc như bức tranh quê.

>

<

Ở Thanh Hà có nhiều hàng quán lâu đời, có tiệm đã duy trì qua vài thế hệ, và có những người gắn bó cả cuộc đời với ngõ chợ đông đúc.

Là ngôi chợ lâu đời nhất trong khu phố cổ, nên trong suy nghĩ của nhiều người thì chợ Thanh Hà hẳn sẽ giống chợ quê. Nhưng sự thật thì ngõ chợ khá chật và đã “hiện đại hóa” hơn một chút, nhiều khách sạn nhỏ đã mọc lên chen lẫn với sạp hàng của các tiểu thương ngồi dọc khắp phố với rổ, mẹt, xô chậu đựng cá, bu gà, phản thịt, và vô vàn loại hàng hóa khác như rau củ, đồ khô, măng miến, trái cây…

Bà cụ lưng còng bán măng tươi ngồi nép trong góc tường rêu phong đã hàng chục năm, cô Hiền rán bánh chưng thuê mái hiên chỉ 1 mét vuông làm chỗ mưu sinh hết nửa cuộc đời trước ngôi nhà số 4, hàng nộm bò khô vỉa hè có thâm niên vài thập kỷ… tất cả họ đã trở thành “linh hồn” của ngõ chợ Thanh Hà, góp phần gìn giữ những nét văn hóa bình dân mang đậm hơi thở cuộc sống tại đây. Theo lời các bậc cao niên sống trong ngõ chợ thì ký ức của họ là những sạp hàng đầy ắp trải dài từ phố Hàng Chiếu ra đến tận đầu Nguyễn Thiện Thuật, có cả đồ thủ công và vô số đồ dùng khác mà bây giờ chẳng còn ai nhớ đến nữa. Các gia đình sống trong ngõ chợ cũng đổi nghề rất nhiều, đa phần cho thuê hết vỉa hè để dân nơi khác đến làm ăn.

Thực phẩm trong chợ luôn phong phú và tươi ngon, được chở đến từ nhiều nơi khác nhau quanh Hà Nội như các huyện ngoại thành và cả tỉnh lân cận. Có những người phụ nữ ở các làng quê đạp xe lên mang theo từng buồng chuối, quả bưởi, cá tươi bắt từ những con sông mát lành, vượt hàng chục cây số để đến chợ ngồi bán từ sáng đến chiều. Tiếng lành đồn xa, chợ Thanh Hà đã trở thành địa chỉ quen thuộc được các bà nội trợ sành ăn tin tưởng tìm đến, thậm chí chẳng phải lo mặc cả vì giá lúc nào cũng bình dân!

Hội các bà các mẹ luôn biết hàng nào bán đồ tươi ngon nhất ở chợ, giờ nào có cô bán chuối bán rau, hành tỏi, trứng gà… ở dưới quê mang lên, và ngóc ngách nào trong ngõ chợ có hàng ăn vặt ngon nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngõ chợ hút khách đông quanh năm ngày tháng, bởi ngoài sự chật chội bừa bộn đặc trưng nơi phố cổ thì đây chính là thiên đường cho chị em phụ nữ đến mua hàng.

Ngõ chợ Thanh Hà có rất nhiều cụ già, họ đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nơi này.

Trong ngõ chợ có một ngôi đền nhỏ linh thiêng vẫn còn nguyên nét cổ kính sau hàng thế kỷ, đó là đền Hội Thống thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Người dân vẫn tụ tập quanh cổng đền để mua bán sớm hôm, ngày rằm mùng 1 đều cúng lễ đủ đầy nhằm tỏ bày lòng thành với các đức bề trên, mong phù hộ độ trì để buôn may bán đắt.

Mỗi dịp cuối tháng Chạp, càng gần ngày 30 âm lịch thì chợ càng đông đúc, có thêm hoa đào, hoa cúc và những gánh hàng rong bán đủ thứ truyền thống cho Tết. Thế nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch nên ngõ chợ đã bớt sầm uất hơn, mọi hoạt động giao thương đều diễn ra nhanh chóng. Chỉ có những hàng ăn vặt, bún phở trong ngõ là đông khách, nhưng cũng không chen chúc như mọi năm. Mùi há cảo, mỳ vằn thắn thơm phức, vấn vương quanh góc phố rồi tan ra trên những tán cây đã treo đầy lồng đèn rực rỡ đón Tết.

Chợ Thanh Hà ở mạn Hàng Chiếu – Nguyễn Thiện Thuật lại chuyên bán các loại bánh rán đường mật, chả nem, túi giấy, chiếu nệm… và giáp Tết thì luôn thơm nức hương mùi già xếp đầy ngay mặt phố.