Ngôi làng đá tựa lưng vào núi giúp người Tày tại Cao Bằng thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đặt chân đến với Khuổi Ky, ngay từ xa, du khách đã thu vào tầm mắt với ấn tượng về những ngôi nhà sàn hoàn toàn bằng đá, nép mình bên những dãy núi.
Ngôi làng đá tựa lưng vào núi giúp người Tày tại Cao Bằng thoát nghèo

Kiến trúc độc đáo của làng đá có lịch sử hơn 400 năm

Làng đá Khuổi Ky tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, chỉ cách thác Bản Giốc khoảng 2km.

Ngôi làng có lịch sử hơn 400 năm, bắt nguồn từ thời nhà Mạc khi các bậc quyền quý chọn Cao Bằng làm nơi sinh sống.

Người Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên.

Kiến trúc bằng đá của người Tày tạo nên không gian đặc biệt, mang nhiều dấu ấn văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây (Ảnh: Thanh Tùng).
Kiến trúc bằng đá của người Tày tạo nên không gian đặc biệt, mang nhiều dấu ấn văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây (Ảnh: Thanh Tùng).

Chẳng thế mà trong luật tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá.

Chính vì thế, nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà sàn bằng đá. Những ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc độc đáo, kết hợp với mái ngói âm dương, tạo nên một khung cảnh vừa cổ kính vừa trang nghiêm.

Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào dân tộc Tày.

Kết cấu của mỗi ngôi nhà sàn đá thường có 3 gian với chức năng khác nhau, tùy thuộc gia đình của người chủ có ít người hay đông người mà người ta sẽ xây dựng nhà với kích cỡ khác nhau để thuận tiện cho việc sinh sống.

Phần mái của những ngôi nhà sàn được lợp bằng mái ngói âm dương mang đến cho những ngôi nhà sàn ở làng đá Khuổi Ky Cao Bằng nét cổ kính hiếm có (Ảnh: Thanh Tùng).
Phần mái của những ngôi nhà sàn được lợp bằng mái ngói âm dương mang đến cho những ngôi nhà sàn ở làng đá Khuổi Ky Cao Bằng nét cổ kính hiếm có (Ảnh: Thanh Tùng).

Để xây dựng một ngôi nhà sàn đá, người dân phải mất từ 2-3 năm, dùng đá nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, kết dính chúng bằng hỗn hợp cát và vôi trắng.

Kết cấu của những ngôi nhà sàn đá này rất kiên cố với tường dày hơn 30 cm, cao từ 7-8m. Những ngôi nhà không chỉ thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người dân nơi đây mà còn phản ánh văn hóa, lịch sử và truyền thống đặc sắc của người Tày.

Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người

Trong những năm gần đây, Làng đá Khuổi Ky đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống kinh tế của người dân.

Không gian yên bình nơi Làng đá Khuổi Ky (Ảnh: Thanh Tùng).
Không gian yên bình nơi Làng đá Khuổi Ky (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 2008, Làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là "Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người"​.

Du lịch cộng đồng tại Làng đá Khuổi Ky được chính quyền địa phương định hướng và phát triển, nhằm tạo sinh kế và thoát nghèo bền vững cho người dân.

Năm 2018, Làng Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh cho biết: “Tiềm năng du lịch ở Khuổi Ky vẫn còn rất dồi dào, do đó cần được khai thác, phát huy đúng hướng”.

Ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh (Ảnh: Thanh Tùng).
Ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông cho biết, nếu phát triển du lịch không gắn với giá trị văn hóa bản địa hay kiến trúc của từng vùng miền, gắn với thiên nhiên thì chắc chắn sẽ không mang được tính bền vững. Do đó, địa phương cần tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn.

Song song đó, cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm trên sông Quế Sơn gắn với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc; xây dựng ban quản lý giám sát mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành, tổ chức định hướng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân tham gia phát triển du lịch.

Ngôi làng đá tựa lưng vào núi hút khách du lịch

Chính sách phát triển du lịch một cách bền vững, giữ được những nét tự nhiên, hoang sơ, với những ngôi nhà sàn bằng đá tựa lưng vào núi và hướng mặt về dòng suối Khuổi Ky trong xanh đã khiến nơi đây thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trong những năm gần đây.

Du khách khi đến đây sẽ có cơ hội khám phá kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà sàn đá, tham quan các di tích lịch sử và trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Tày.

Du khách tận hưởng vẻ yên bình nơi làng đá cổ kính (Ảnh: Lê Hanh)
Du khách tận hưởng vẻ yên bình nơi làng đá cổ kính (Ảnh: Lê Hanh)

Chủ một homstay tại Khuổi Ky cho biết: “Khách du lịch đến đây đều kín vào dịp cuối tuần. Các chủ homstay cũng cập nhật nhiều kiến thức mới. Chúng tôi học hỏi tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài tốt hơn. Các chị em trong bản sẽ hát then cho khách nghe. Khách nước ngoài muốn trải nghiệm đi cấy, đi lấy củi, làm việc cùng gia đình”.

Trước làng, có dòng suối Khuổi Ky chạy qua càng góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên trở nên thơ mộng, đầy mê hoặc. (Ảnh: Lê Hanh)
Trước làng, có dòng suối Khuổi Ky chạy qua càng góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên trở nên thơ mộng, đầy mê hoặc. (Ảnh: Lê Hanh)

Ngoài việc tham quan kiến trúc và cảnh quan, du khách còn có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như làm đồ dùng sinh hoạt từ đá.

Ẩm thực tại Làng đá Khuổi Ky cũng là một điểm nhấn thu hút du khách. Những món ăn như xôi đen, thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các món măng rừng mang đậm hương vị truyền thống của người Tày, mang đến cho du khách trải nghiệm ẩm thực phong phú và độc đáo​.

Ngoài ra, du khách còn có thể hòa mình vào điệu then say đắm đặc trưng của đồng bào nơi đây, tham gia vào các lễ hội địa phương và tìm hiểu về phong tục tập quán của người Tày.

Những hoạt động này không chỉ giúp du khách hiểu thêm về văn hóa và lịch sử của vùng đất này mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài việc giữ gìn những bản sắc, công trình vốn có, đồng bào dân tộc Tày còn quan tâm đến công tác cải thiện môi trường. Cảnh quan thiên nhiên trong làng cũng được chính quyền cử người xuống tận nơi để vận động, hướng dẫn bà con bảo vệ.

Để phát triển du lịch, là câu chuyện của cả cộng đồng, là sự chung tay của người dân và ban ngành.

Phát triển du lịch cộng đồng giúp đồng bào Tày thoát nghèo

Tháng 10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về kế hoạch hỗ trợ du lịch sinh thái tại Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Kế hoạch hỗ trợ du lịch sinh thái tại Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) nằm trong Dự án "Hỗ trợ Kinh tế Tuần hoàn Xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực miền Bắc Việt Nam" (tại tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn), với kinh phí 1 triệu USD (tương đương khoảng 24,4 tỷ đồng), dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2029.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân địa phương.

Những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, định hướng, cải thiện môi trường, cảnh quan cũng như mở các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và dịch vụ homestay cho người dân. Đến nay, tại Khuổi Ky đã có 17 homestay thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm.

Qua các lớp tập huấn, nhiều gia đình đã thành thạo sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để chia sẻ và quảng bá về homestay của mình. Người phụ nữ Tày cũng đang tìm hiểu về cách làm video, chia sẻ trên Tiktok. Homestay này hiện đã liên kết với các nền tảng du lịch lớn.

Phát triển du lịch cộng đồng đã thay đổi cuộc sống của người dân Khuổi Ky. Nhiều gia đình trước đây chỉ làm nương, trồng rau thu nhập bấp bênh thì hiện tại đã có nguồn thu ổn định.

Phát triển du lịch giúp người dân tại làng đá Khuổi Ky có cuộc sống ổn định hơn (Ảnh: Lê Hanh)
Phát triển du lịch giúp người dân tại làng đá Khuổi Ky có cuộc sống ổn định hơn (Ảnh: Lê Hanh)

Việc chuyển hướng phát triển thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky đã góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

Tính đến hết năm 2023, Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5000 lượt với trên 20% là khách quốc tế.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Làng đá Khuổi Ky đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống kinh tế của người dân và phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Cao Bằng.

Làng đá Khuổi Ky không chỉ là một di sản văn hóa quý báu của người Tày mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn. Sự kết hợp giữa kiến trúc độc đáo, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và nền văn hóa phong phú đã tạo nên một điểm đến không thể bỏ qua cho bất kỳ ai yêu thích khám phá và trải nghiệm​.

Đọc thêm