Ngôi trường 132 tuổi ở Đà Nẵng xuống cấp nghiêm trọng

(PLVN) - Sau 132 năm sử dụng, ngôi trường tiểu học được xây từ thời Pháp thuộc, nằm ngay trung tâm TP Đà Nẵng đã xuống cấp nặng nề, không đảm bảo mỹ quan và an toàn cho hoạt động dạy, học.

Trường Tiểu học Phù Đổng (cơ sở 1) nằm trên đường Yên Bái (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được xây dựng từ thời Pháp thuộc trước năm 1890. Nhìn từ ngoài cổng, ngôi trường này còn khá khang trang. Tuy nhiên, bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng và dễ nhận thấy bằng mắt thường.

Theo ghi nhận của PV, sau nhiều năm chống chịu thời tiết, bờ tường phía ngoài các dãy phòng học đã có dấu hiệu bong tróc. Một số điểm còn lộ rõ phần gạch đỏ mục nát, dùng tay có thể dễ dàng bóc ra. Không chỉ vậy, hệ thống cửa sổ, cửa thông gió bằng gỗ tại nơi này cũng đã hư hỏng nặng, một số vị trí bị vỡ mảng lớn, nhà trường phải gia cố bằng tấm tôn để tránh mưa tạt vào.

Nhìn từ ngoài cổng, ngôi trường còn khá khang trang.

Tuy nhiên, do trường xây dựng từ thời Pháp, trải qua hơn 130 năm nên hiện bên trong đã xuống cấp nặng.

Trong phòng học thuộc tầng 1, bê tông trần đã rơi rớt nhiều vị trí, để lộ ra khung thép hoen rỉ. Một số phòng dù chưa bong tróc bê tông nhưng đã xuất hiện các vết nứt. Tại các phòng học thuộc tầng 2, hệ thống la phông đã cũ, nhiều chỗ chắp vá tạm bợ sau nhiều lần bong tróc.

Đặc biệt, ngoài hành lang, có những nơi rơi la phông trần, lơ lửng trên đầu học sinh và giáo viên, tiềm ẩn nguy hiểm.

Còn tại khu vực ăn trưa của học sinh, nền bị hư hại nhiều mảng lớn, nhà trường phải dùng xi măng để sửa chữa, tạo nên vết chắp vá. Hệ thống điện tại khu vực này cũng lộ thiên khá nguy hiểm.

Ngoài hành lang, có những nơi rơi la phông trần, lộ cả mái tôn và tiềm ẩn nguy hiểm cho học sinh.

Tại khu vực ăn trưa của học sinh, gạch hoa lâu ngày bị hư hỏng, nhà trường phải dùng xi măng để sửa chữa, gia cố tạm thời.

Phần dầm phía trên hành lang nhiều đoạn bị bong tróc, phù nề do hệ bê tông cốt thép giãn nở sau hơn trăm năm tồn tại, để lộ lớp sắt đã hoen rỉ.

Trong các phòng học tầng 1, bê tông trần đã rơi rớt nhiều vị trí, để lộ ra khung thép hoen rỉ.

Còn tại những phòng khác dù chưa bong tróc bê tông nhưng đã xuất hiện vết nứt, phù nề do hệ bê tông cốt thép giãn nở sau hàng trăm năm tồn tại.

Mỗi mùa mưa bão, giáo viên lại canh cánh nỗi lo trường thấm dột, nứt bê tông, nguy cơ gây nguy hiểm cho học sinh.

Theo cô Đặng Thị Kim Anh - Hiệu Phó Trường tiểu học Phù Đổng, hiện trường có 55 lớp với 1.853 học sinh. Do xây dựng từ rất lâu nên kết cấu tường, trần các dãy phòng không còn vững chắc, có nguy cơ bong tróc, rơi rớt vật liệu xuống dưới. Còn mái tôn dù đã được gia cố nhiều lần nhưng khi mưa lớn, đôi lúc giáo viên phải dùng thau, xô để hứng nước mưa các phòng thấm dột nặng. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, gây bất tiện cho việc học của học sinh.

Đặc biệt, sau mỗi mùa mưa bão, trường lại phải xin kinh phí để sửa chữa, quét sơn các mảng tường bị ẩm thấp, nhưng đây chỉ là giải pháp khắc phục tình thế và cũng chỉ được một thời gian ngắn thì các mảng tường lại loang lổ, rã sơn như cũ. Do đó, nhà trường hy vọng thành phố quan tâm, sớm có giải pháp lâu dài để ổn định điều kiện vật chất cho hoạt động dạy và học.

Tường bao ngoài các dãy phòng học đã bong tróc vữa, phần gạch đỏ bên trong lộ ra có dấu hiệu mục nát.

Một số vị trí còn lộ rõ phần gạch đỏ, có thể dùng tay dễ dàng bóc ra.

Hệ thống cửa sổ, cửa thông gió bằng gỗ của trường đã mục nát, hư hỏng nhiều vị trí.

Do quá cũ nên một số cửa sổ đã bị vỡ mảng lớn, nhà trường gia cố bằng tấm tôn để tránh mưa tạt vào.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tự Gia Thạnh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, Trường Phù Đổng xây dựng đã hơn 130 năm nên không thể tránh khỏi xuống cấp nặng. Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, quận đã đề xuất xây mới lại ngôi trường có bề dày lịch sử này theo kiến trúc cũ.

Cụ thể, quận Hải Châu đã đề xuất 2 phương án, trong đó nếu xây dựng lại toàn bộ trường thì cần khoảng 88 tỷ đồng. Còn trong trường hợp ngân sách khó khăn, thành phố có thể đầu tư trước 2 khối nhà đã bị xuống cấp nặng với dự toán khoảng 56 tỷ đồng, để các em sớm có nơi học tập an toàn hơn.

Đọc thêm