“Ngọn đuốc” sáng dãy Giăng Màn

(PLO) - Chúng tôi gặp anh khi mặt trời dần ẩn mình sau đỉnh Giăng Màn. Từ đầu giờ chiều, anh vẫn đứng trước sân Ủy ban, say sưa giải đáp cho mấy thanh niên mới mua xe máy về Luật Giao thông đường bộ, thủ tục đăng ký quyền sở hữu xe  máy…
Anh Đinh Hoàng Anh đang hướng dẫn về các văn bản pháp luật cho thanh niên ở xã Dân Hóa
Anh Đinh Hoàng Anh đang hướng dẫn về các văn bản pháp luật cho thanh niên ở xã Dân Hóa
Ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nói như khoe: “Các văn bản pháp luật khô khan vậy, xã này chỉ có Anh là có thể nói cả buổi mà bà con nghe mãi không chán. Trước, xã chúng tôi được ví là xã “trũng” về công tác tư pháp và chính cán bộ Anh là người đã thay đổi tất cả, mang lại cho Tư pháp xã một bộ mặt mới khởi sắc”. “Anh” ở đây chính là Đinh Hoàng Anh (SN 1982), cán bộ tư pháp – hộ tịch xã Dân Hóa.
Người lấp “trũng” tư pháp giữa đại ngàn
Sinh ra trong một gia đình thuộc tộc người Nguồn ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, hơn chục năm học phổ thông là cả chục lần Hoàng Anh định bỏ học vì gia cảnh nghèo khó. “Cha mẹ mình quần quật quanh năm bám nương rẫy với đám ngô, bãi lạc chưa từng có ngày ngơi nghỉ. Nhà lại đông con quá, lo ăn từng bữa đã khó, mơ chi điều kiện học hành” – anh kể.
Mấy lần cậu bé Anh thương cha mẹ nên xin nghỉ học thì có lần bị cha mắng: “Khổ mấy cũng lo được, thương cha mẹ thì lo học nên người. Bỏ học thì đừng trách cha mẹ không thương”. Đó là năm lớp 11, cũng là lần cuối cùng anh muốn bỏ học và quyết rằng sẽ không phụ lòng cha mẹ… 
Năm 2003, Đinh Hoàng Anh tốt nghiệp cấp 3 và làm hồ sơ thi ngay vào ngành Luật của Trường Đại học Khoa học Huế rồi đỗ đạt với số điểm cao. 4 năm học ở Huế là 4 năm ròng Hoàng Anh một buổi đi học, một buổi chạy xin làm thêm để trang trải học phí, tiền trọ đỡ đần cho cha mẹ.
Tháng 8 năm 2007, sau khi cầm tấm bằng Đại học Luật trong tay, Đinh Hoàng Anh được tuyển dụng làm công chức tư pháp - hộ tịch tại UBND xã Dân Hóa. Anh nhớ lại ngày đầu nhận công tác: “Xã chưa hề có công chức phụ trách, công tác tư pháp được giao cho những cán bộ trong UBND xã chưa qua đào tạo kiêm nhiệm. Tình hình khai sinh, kết hôn, khai tử như không có một khuôn khổ nào. Hồ sơ lưu hộ tịch thì quá sơ sài, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân hầu như không được chú tâm tới. Nghĩ mình phải làm từ đầu, lại chưa có kinh nghiệm, ngao ngán lắm…”. 
Nhưng chàng thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết và thiết tha yêu ngành Tư pháp ấy quyết tâm không đầu hàng, khó đâu gỡ đó, không biết thì hỏi những người làm tư pháp nhiều kinh nghiệm ở cấp huyện, cấp tỉnh. “Ban đầu, chỉ với những đổi thay, kết quả sơ khai trong hoạt động tư pháp nhỏ nhoi ấy lại chính là động lực giúp mình vượt qua tất cả” – anh bộc bạch.
Chính nơi khởi nguồn là xã “trũng” của Tư pháp ấy, từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2015, sự nỗ lực của một mình Đinh Hoàng Anh đã khai sinh được cho hơn 1.650 trường hợp, khai tử cho gần 200 trường hợp, mở được hơn 20 cuộc tuyên truyền PBGDPL, hơn 20 lần trợ giúp pháp lý, 8 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật và hòa giải thành công cho hơn 80 trường hợp…
Xa thẳm và gian khó
Trong cái nắng oi ả, cái gió Lào khô rát của mùa hè miền biên viễn giáp nước bạn Lào ở xã Dân Hóa, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 12A, một bên là đỉnh núi, một bên là vực thẳm. Thi thoảng mới lấp ló trên triền núi là chênh vênh một bản làng nhỏ. Những mái nhà sàn các tộc người Khùa, Mày, Chứt, Sách… san sát tựa vai nhau.
Theo ông Hồ Tuân - Chủ tịch UBND xã, Dân Hóa có hơn 800 hộ với gần 4.000 nhân khẩu sinh sống rải rác ở 13 bản rải rác khắp các ngọn núi của dãy Giăng Màn. Số hộ nghèo chiếm trên 89,97% và Dân Hóa là xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa. Nhờ có các Chương trình 135, 167, 30A của Chính phủ, cuộc sống đồng bào đỡ khổ đôi phần nhưng vẫn còn lắm khó khăn. 
Các bản ở cách rất xa nhau, đi lại trắc trở muôn bề. Bản xa nhất cách trung tâm xã gần 2 chục cây số đi bộ luồn rừng. Cán bộ tư pháp mỗi khi có chương trình PBGDPL hoặc tuyên truyền, vận động hòa giải, thống kê khai sinh cho trẻ em hay trợ giúp pháp lý có khi phải cắm bản cả tuần. 
“Cán bộ làm công tác tư pháp ở Dân Hóa còn vất vả hơn nơi khác gấp bội phần. Mẹ đi làm giấy khai sinh cho con, xã cấp buổi sáng ở ủy ban, trưa cầm qua suối đã ướt nhòe, mai lại lên xã làm lại. Đó là chuyện thường ở xã, chứ chưa nói đến trình độ dân trí, nhận thức pháp luật khi có tới 95% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số ít người” – ông Tuân cho biết thêm.
Khó khăn lớn nhất của Đinh Hoàng Anh khi chân ướt chân ráo lên nhận công tác tại Dân Hóa là giao tiếp với đồng bào. “Những ngày đầu, cả tuần đi về các bản như Ka-Ai, Ka-Vàng, Ba Loóc, Ka-Reng… tiếng đồng bào nói mình nghe như… “vịt nghe sấm”, tìm khắp cả bản mới có người dịch lại được. Không hiểu biết tiếng của bà con, nói tiếng Kinh thì làm sao bà con nghe và hiểu mình được? Làm tư pháp sao được?” - anh lắc đầu nhớ lại. 
Và anh đã tự vạch ngay cho mình một “khóa học” mới, không bằng cấp – học và nói tiếng các đồng bào. Tối đến, anh đóng cửa phòng tập thể, về tận từng bếp lửa nhà sàn để học tiếng, ghi chép tỉ mỉ. Hết tiếng người Mày, đến tiếng người Sách, người Khùa… hết bản gần sang bản xa. Và tấm bằng lớn nhất mà Hoàng Anh đạt được sau hơn nửa năm là hiểu và nói vanh vách các thứ tiếng của đồng bào. 
“Cán bộ Anh giỏi nhất xã này! Là người Nguồn nhưng lại đọc, nói rất giỏi tiếng Kinh, lại rất rành tiếng bà con chúng tôi. Văn bản chính sách gì, khó hiểu đến mấy cũng diễn đạt lại được cho bà con hiểu cả. Giấy tờ gì, cần biết thì tìm cán bộ Anh” – thực không dễ để một trưởng bản thuộc hàng “thông thái” nhất ở Dân Hóa, ông Cao Xuân Xiêm - Trưởng bản Ka-Ai phải “mất công” khen nức nở như vậy.
“Mang ơn cán bộ Anh”
Khi biết chúng tôi muốn viết về mình để vinh danh “Gương sáng Tư pháp”, anh cứ tìm cách từ chối: “Ngại lắm. Cán bộ tư pháp cấp xã nhỏ như mình thì có gì lớn lao mà phải viết…” Và theo anh, gần 8 năm xa gia đình bám Dân Hóa làm công tác tư pháp, anh không nhớ được những thành tích, chỉ đầy ắp những kỷ niệm.
Năm 2013, ở bản Bãi Dinh, vợ chồng anh Cao Xuân Tành - chị Hồ Thị Khăm La xảy ra mâu thuẫn và không muốn ở với nhau nữa. Cả chục ngày trời cứ xảy ra cãi vã, khiến bà con trong bản mất ăn, mất ngủ. Được tin, đêm xuống thì cán bộ Anh chạy xe máy đến nhà vợ chồng này, nhẹ nhàng hòa giải. 
Ban đầu không ai chịu làm lành. Rồi một đêm, hai đêm… liên tiếp đến đêm thứ 6 đứng ngoài cửa nhìn vào, cán bộ Anh thấy 2 vợ chồng… ôm nhau ngủ ngon lành. Cũng từ đó, không chỉ vợ chồng anh Tành, chị La mà bà con ở Bãi Dinh cứ đi suối có con tôm, con cá ngon đều chia ra, gửi về biếu vì thương cán bộ Anh ở xa vợ con, không ai chăm sóc.
Đinh Hoàng Anh bộc bạch: “Nhận công tác ở Dân Hóa được hơn một năm thì mình lập gia đình. Cô ấy chịu lấy mình vì thương mình. Chứ phụ nữ mong sung sướng, ai đời chịu cưới anh cán bộ tư pháp công tác xa nhà hơn 60km, mỗi tuần chỉ về nhà một lần”. 7 năm là vợ chồng, vợ Anh chưa bao giờ hé nửa lời trách chồng công tác xa mà lặng lẽ một tay vừa chăm lo cho con, vừa phụng dưỡng cha mẹ già thay chồng. 
Khoảng 9 giờ đêm cuối tuần, mùa đông năm 2012, đứa con trai mới hơn 2 tuổi của anh bị cảm lạnh và sốt. Anh cùng vợ đưa con đến bệnh viện huyện thì nhận được điện của ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã cần anh “ngược lên xã gấp để làm giấy tờ chứng nhận (đã bị mất) cho gia đình ông Hồ Pha ở bản Ba Loóc. Vợ ông qua suối bị ngã đập đầu vào đá, tình hình rất nguy kịch, để hết đêm nay chắc không qua khỏi, cần các loại giấy tờ ngay để chuyển lên tuyến trên cấp cứu”. 
Không đắn đo, Hoàng Anh an ủi vợ: “Em cố gắng. Con mình còn có em, có bác sĩ. Việc bà con cần, anh không thể không làm ngay”. Một mình anh giữa mưa rét cắt da, phóng xe máy ngược 60 cây số. Khi xong giấy tờ cho ông Pha cũng là lúc anh hay tin con hạ sốt. Đêm ấy, vợ ông Pha cũng qua cơn nguy kịch nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời.
20 ngày sau, lại thấy ông Pha lò mò lên Ủy ban xã, tay xách con gà và 5 tờ 10 nghìn đồng cuộn tròn trong túi áo tìm cán bộ Anh để trả ơn, bắt anh phải nhận. “Tấm lòng bố con nhận, còn gà, tiền thì mang về lo bồi bổ, thuốc thang cho mẹ. Bố làm vậy, lần sau bố có việc cần, con chẳng giúp đâu. Khi nào con sang bản, mời con bữa cơm là vui” – cán bộ Anh phải thuyết phục đủ đường, nói rã cả họng ông Pha mới chịu mang về. Để bây giờ, bên bếp lửa hàng đêm, ông Pha vẫn ngồi thủ thỉ kể cho con cháu nghe về cán bộ Anh: “Nhà ta phải mang ơn cán bộ Anh suốt đời…”.

Đọc thêm